Có được một thời khóa biểu (TKB) dán trên bảng thông tin nhà trường không phải là điều dễ dàng, “xuôi chèo mát mái” như nhiều người suy nghĩ!
Đó là kết quả một quá trình vắt óc suy nghĩ của hiệu phó chuyên môn; trải qua sự cân nhắc, “cầm lên đặt xuống” không phải một buổi, một ngày…
Quả là một sự lao động đầy khó khăn, cực nhọc, vất vả; đầy áp lực bên trong, bên ngoài để có một TKB mà đa số mọi người đều chấp nhận được!
Theo lý thuyết, TKB phải đảm bảo tính khoa học, hợp lý; các môn học tự nhiên, xã hội xen kẽ để bớt căng thẳng. Mặt khác, phải sắp xếp môn học cách quãng từ 2 đến 3, thậm chí 4 ngày để học sinh có thời gian chuẩn bị, “tiêu hóa” kiến thức.
Trên thực tế, không có một TKB nào hoàn hảo cả; không mắc lỗi này thì mắc lỗi khác vì người xếp lịch học gặp rất nhiều lý do chủ quan, khách quan…
Mặc dù hiện nay có phần mềm TKB, người sắp xếp chỉ cần thêm bớt, điều chỉnh chút ít nhưng có lắm phen bi hài xảy ra quanh TKB của mỗi trường.
Đầu năm học, bận rộn nhất là hiệu phó chuyên môn, phụ trách công việc lập TKB cho trường. Điện thoại réo liên tục nhờ vả xếp tiết dạy. Giáo viên (nhất là các cô) ra vô phòng hiệu phó liên tục…
Không phải vì nhớ hiệu phó mà là đến “tâm sự”, nhờ xếp tiết này, xếp tiết kia vì lý do này, lý do kia! Đó là có người chỉ “thích” dạy tiết 1, 2 cho khỏe rồi về còn đi chợ, lo cơm nước cả nhà. Đó là có người không chịu dạy tiết cuối (tiết 4, 5) vì lý do… huyết áp thường lên cao vào giờ đó! Đó là có cô không thích dạy tiết lẻ (1 tiết) vì chẳng “bõ” công trang điểm, trang phục vì trang điểm một lần rất… mất thời gian. Đó là có người nhờ cậy sự quen biết bên chính quyền, quen thân hiệu trưởng; thậm chí dùng quà cáp để nhờ cậy xếp dạy tiết “ngon lành”…
Có người tâm sự với tôi rằng: hiệu phó chuyên môn như làm dâu trăm họ, không biết “chiều” thế nào cho tất cả vừa lòng! Nhiều khi sắp xếp TKB vì học sinh mà mất lòng người này, người kia rất mệt! Không đơn giản là “mất lòng”; coi chừng đến cuối năm bị gạch tên trong phiếu bình bầu thi đua thì khổ! Mà nếu xếp cho “vừa ý” cả trăm giáo viên thì học sinh sẽ học như thế nào? Chắc chắn là quá tải, không khoa học nếu sắp xếp TKB có lợi cho giáo viên!
Có lần chúng tôi về thanh tra chuyên môn ở một trường THPT. Bữa ấy, chuông báo đã vào tiết 2, 3 rồi mà học sinh một số lớp vẫn đi tới đi lui giữa sân trường, qua căng tin mua nước uống. Quá ngạc nhiên vì đây là “giờ vàng” (tiết giữa từ khoảng 8, 9 giờ) mà học sinh lại nghỉ học. Tôi đi tới xem TKB thì đúng là các lớp này… trống các tiết giữa; mà đến các tiết cuối (tiết 4, 5 khoảng từ 10 đến 11 giờ) mới học! Hỏi ra mới biết, do giáo viên “bận” công việc nên trường bắt buộc phải xếp như vậy!
Nhìn thầy hiệu phó phờ phạc, đờ đẫn khi xếp xong TKB đầu năm mà ái ngại! Vì học sinh mà xếp TKB – phải chăng đó là tấm lòng thương yêu học sinh, vì học sinh mà mỗi giáo viên cần nhận ra điều đó để tự mình điều chỉnh mình?
Thạch Trường Sa
Bình luận (0)