Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sân khấu hóa dạy văn: Đôi điều suy nghĩ…

Tạp Chí Giáo Dục

 

Vì nhiều nguyên nhân, học sinh (HS) ngày càng không mấy mặn mà đối với việc học bộ môn ngữ văn trong trường phổ thông.

Vì vậy, việc đổi mới phương pháp, trong đó có sử dụng loại hình “sân khấu hóa” là điều cần thiết để đa dạng hóa cách truyền thụ, cảm thụ tác phẩm và hấp dẫn, lôi cuốn HS đến với môn ngữ văn…

Trước đây, tôi cũng từng tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa văn học theo từng giai đoạn văn học nhằm mở rộng, nâng cao và củng cố kiến thức cho HS. Theo đó, giáo viên (GV) sẽ phân công một số em học khá, giỏi bộ môn để viết những bản tham luận.           

Mục đích của việc viết bài tham luận này là rèn luyện cách tạo lập một văn bản khoa học; có bài bản từ khâu trình bày đến nội dung, tài liệu tham khảo dưới sự hướng dẫn của GV… Lần lượt các em lên trình bày các bản tham luận của mình. Sau đó, GV nhận xét, chủ yếu là khích lệ tinh thần học tập, cố gắng hoàn thành bản tham luận được GV tin tưởng phân công…

Nhưng bây giờ là “sân khấu hóa”, các em cần có phục trang phù hợp để biểu diễn. Cụ thể như “sâu khấu hóa” truyện Vợ chồng A Phủ”; GV phải đi mượn từ các trung tâm văn hóa trang phục người dân tộc H’Mông… Việc tập luyện, vào vai nhân vật cũng khá vất vả vì thời gian eo hẹp vì các tác phẩm được học liên tục và thường là những tác phẩm, đoạn trích khá dài.

Cái “được” của việc “sân khấu hóa” này là khắc sâu kiến thức nhờ biểu diễn sinh động; có thể ghi nhớ diễn tiến câu chuyện để làm bài thi sau này.

Cái “chưa được” mà tôi và nhiều đồng nghiệp còn băn khoăn là mục tiêu của việc dạy văn là dạy cảm thụ, dạy HS cách khai thác từ ngữ, hình ảnh, kết cấu để làm rõ vấn đề… Ngâm một câu Kiều trong lúc giảng để HS thấm thía, lắng sâu và cần có khoảng lặng cần thiết dành cho việc cảm nhận. Vì thế mới có danh ngôn: “Tính cách hình thành trong bão táp; trí tuệ hình thành trong yên lặng”!

Theo tôi, không phải tác phẩm, đoạn trích nào cũng “sân khấu hóa” được mà phải chọn lọc, tìm hiểu sâu xa… Nếu “sân khấu hóa” Truyện Kiều, cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi ngày xuân chẳng hạn; thuyết minh (người dẫn) đọc lời tóm tắt nội dung; trên sân khấu là cảnh mùa xuân, cảnh hai chị em Kiều đang nhẹ bước thì chúng ta đang “văn xuôi hóa” Truyện Kiều; làm công việc “dịch xuôi” Truyện Kiều!

Hiện nay, có thể nói bộ môn ngữ văn đang lạm dụng “sân khấu hóa” cách dạy, cách học. Có thể sử dụng hình thức “sân khấu hóa” cho hoạt động ngoại khóa, hoạt động của các “câu lạc bộ văn học” thì được; chứ mỗi tác phẫm mỗi làm, mỗi biểu diễn thì đến một lúc nào đó, cả GV và HS đều “bội thực”…

Mặt khác, việc chuẩn bị cho một màn biểu diễn này rất mất thời gian, công sức và có cả tiền bạc vì trang phục phải đi mướn; chi tiền nước uống và các thứ “phụ tùng” khác cho việc dàn dựng!

Hoàng Sa Vit

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)