Từng là nạn nhân của bạo lực học đường (BLHĐ), chịu nhiều tổn thương về tâm lý, từ đó một nhóm học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) đã thực hiện bộ ảnh về BLHĐ mang tên “Don’t hurt me” (tạm dịch: Đừng làm tôi đau!).
Những bức ảnh được học sinh quan tâm nhiều nhất của bộ “Don’t hurt me” (ảnh do nhóm thực hiện cung cấp)
Bộ ảnh rất thực đã làm rõ hơn về các hành vi BLHĐ, đồng thời lên tiếng nói sâu sắc kêu gọi chấm dứt những hành vi đó.
Bạo lực học đường không chỉ có đánh!
Bộ ảnh “Don’t hurt me” gồm 5 bức, phản ánh chân thực nhất những khía cạnh khác nhau của BLHĐ từ chính góc nhìn của người trong cuộc. Đó là bạo lực về thân thể với nắm tóc, đánh đập, cào cấu; bạo lực về tinh thần với ngôn từ kỳ thị giới tính, kỳ thị cơ thể. Nhóm thực hiện bộ ảnh gồm: Lê Thùy Linh (lớp 10A23), Nguyễn Thị Ánh Mai (lớp 11A13) và Hồ Lê Hoàng Trúc (lớp 10A23) – cả 3 đã từng là nạn nhân của BLHĐ hoặc chứng kiến bạn bè là nạn nhân của tình trạng này. “Ngày mới vào lớp 6, do tính cách ngại giao tiếp, nên giữa em và một vài bạn trong lớp đã có sự bất hòa. Có một khoảng thời gian dài, em bị các bạn bài xích, cô lập trong lớp học. Các bạn thường tụ tập để nói xấu em. Ngày đó, em rất sợ đi học, sợ đến trường, sợ đối diện với các bạn”, Thùy Linh rùng mình nhớ lại. Với Thùy Linh, đó là quãng thời gian bản thân dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ảnh hưởng đến chuyện học tập, sự bài xích, cô lập và những lời nói xấu của các bạn còn khiến em thu mình lại, chịu thêm nhiều áp lực tinh thần.
Không chỉ là nạn nhân của BLHĐ bằng sự bài xích, cô lập của bạn bè, Thùy Linh từng chứng kiến một người bạn của mình mắc bệnh đồng tính nam đã phải chịu những tổn thương tinh thần sâu sắc từ sự dè bỉu, chê bai của bạn bè. “Bạn ấy thường khóc khi chia sẻ với em về vấn đề của mình. Đó là bạn mặc cảm về cơ thể, giới tính của mình và muốn nghỉ học. Với những người mang giới tính thứ ba, họ đã phải chịu rất nhiều mặc cảm trong cuộc sống. Đôi khi chỉ đơn giản là những lời đùa cợt, những cái nhìn ác ý về ngoại hình cũng vô tình khiến những tổn thương đó ở họ thêm nặng nề, tạo rào cản ngăn cách họ với thế giới xung quanh”, Thùy Linh nhìn nhận.
Trong khi đó, câu chuyện của Ánh Mai lại đến từ những hiểu nhầm của bạn bè thời lớp 6, dẫn đến bản thân “rơi vào tầm ngắm” của một nhóm học sinh “có số má” trong trường. “Đỉnh điểm của sự việc là nhóm bạn đã đập vỡ chiếc máy tính của em. Từ đó, thậm chí đến tận bây giờ, em luôn có thói quen lo sợ, thu mình lại và giấu cảm xúc của bản thân, sống theo cảm xúc của người khác…”, Ánh Mai ngập ngừng chia sẻ. Từ câu chuyện của mình, Ánh Mai cho rằng đó không phải là trường hợp cá biệt và môi trường học đường thời nào cũng có. Ở đó, tâm lý “ỷ mạnh ăn hiếp yếu”, “ỷ đông ăn hiếp yếu” không phải là hiếm; thậm chí chính đám đông có tâm lý đó còn cho mình “quyền” được can thiệp, gây sự với người khác mà chẳng cần có lý do hoặc vì một lý do hết sức ngớ ngẩn. “BLHĐ không chỉ có những hành vi làm tổn hại đến thể xác như đánh đập, mà nó còn là những hành vi làm tổn thương đến tinh thần. Ngoài ra, BLHĐ còn đến từ những lời nói vô cảm, các hành vi ngang ngược làm tổn thương người khác, thói ăn hiếp, sự chê bai, miệt thị giới tính hay cơ thể, hoặc thậm chí là miệt thị sức học của bạn bè… Dù là kiểu bạo lực nào thì cũng để lại vết thương khó lành trong lòng người bị bạo lực”, Hoàng Trúc chỉ ra.
Đặc biệt, Hoàng Trúc bổ sung thêm, còn một kiểu BLHĐ cũng “tàn độc” ghê gớm, tồn tại trong trường học, đó là sự thờ ơ, vô cảm từ những người xung quanh. “Kẻ bắt nạt và bạo hành người khác chắc chắn không bao giờ đúng. Vậy còn những người có mặt, chứng kiến những sự việc đó mà không hề can ngăn, thậm chí còn reo hò cổ vũ, quay clip tung lên các trang mạng xã hội, thì có sai không? Câu trả lời là có. Sự vô cảm chính như giọt nước tràn ly làm vấn nạn BLHĐ càng thêm nghiêm trọng. Những mâu thuẫn, đến một lúc nào đó có thể được hóa giải và phần nào nguôi ngoai, nhưng nỗi ám ảnh về cái nhìn bình thản đến mức lạnh lùng của “khán giả”, sự tủi nhục khi làm trò cười thì sẽ còn đeo bám nạn nhân mãi”, Hoàng Trúc day dứt.
Cần lên tiếng mạnh mẽ để chấm dứt
Khi thực hiện bộ ảnh “Don’t hurt me!”, cả 3 thành viên mong muốn thu hút sự chú ý của học sinh trong trường để mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân, nhìn nhận lại hành vi và cách cư xử của mình trong vấn nạn BLHĐ. Từ sự nhìn nhận đó, bộ ảnh là tiếng nói khẩn thiết thay đổi quan điểm, nhận thức của giới học sinh, rộng hơn là của toàn xã hội về BLHĐ. “Nếu chưa từng xảy ra, có thể các bạn chỉ nghĩ, phải động tay động chân mới là BLHĐ. Qua bộ ảnh, chúng em mong muốn chỉ ra những hành vi của BLHĐ, những thương tổn mà nạn nhân bị bạo lực phải chịu đựng để thay đổi hành vi, nhận thức của mỗi học sinh, từ đó chấm dứt nạn BLHĐ”, Thùy Linh nhấn mạnh. Song song đó, theo Thùy Linh, bộ ảnh cũng là lời cảnh tỉnh đến những người xung quanh cần phải lên tiếng, can thiệp trước nạn BLHĐ đang ngày càng phát triển.
Ở góc độ giáo viên, cô Đặng Hoàng Ngọc Thy (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) nhìn nhận trong môi trường học đường hiện nay, sự cô lập bạn bè cũng là một khía cạnh của BLHĐ. Những học sinh bị cô lập trong lớp thường là những em quá nhút nhát hoặc cá tính quá mạnh, thích thể hiện bản thân. Điều này lại đặt ra thêm trách nhiệm và vai trò của người giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm trong việc sâu sát, quan tâm đến học sinh của mình, đồng thời gắn kết học sinh lại với nhau. “Bộ ảnh của các em một lần nữa khiến mỗi người giáo viên như tôi phải suy nghĩ, trăn trở về công tác này”, cô Ngọc Thy chia sẻ.
Tạ Ngọc Anh Thư (lớp 11A13, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh – Báo chí của trường) cho hay: “Don’t hurt me” là bộ ảnh nhận được sự tương tác và quan tâm nhiều nhất của học sinh trong trường, chứng tỏ rằng đây là vấn đề chưa bao giờ hết nóng mà hầu như trong cuộc đời học sinh, ai cũng ít nhất một lần gặp phải, theo cách này hay cách khác. Từ sự quan tâm và lan tỏa đó, CLB Nhiếp ảnh – Báo chí mong muốn các trường học, rộng hơn là cả xã hội cùng chung tay xây dựng một môi trường học đường tốt đẹp, nhân văn và yêu thương.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)