Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM lâm nguy

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh việc khẩn cấp sửa chữa những chỗ bị lún, nứt…, phải thẩm định toàn bộ nền móng tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM để bảo đảm sau này không hư hỏng trở lại…
Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP HCM và các cơ quan chức năng về việc Bảo tàng Mỹ thuật (97-97A Phó Đức Chính, quận 1) bị sụt lún do ảnh hưởng từ việc xây dựng công trình cao ốc tứ giác Bến Thành.
Chân trụ Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM bị nứt
Khẩn cấp khắc phục
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao kiến nghị UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan yêu cầu chủ đầu tư công trình cao ốc tứ giác Bến Thành là Công ty TNHH Saigon Glory khắc phục nguyên trạng trước ngày 8-10 với tường rào, cửa cổng và nền khuôn viên bảo tàng. Kiểm định chất lượng 3 khối và nhà bảo vệ để có giải pháp khắc phục trước ngày 19-11.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 22-9, tường rào của Bảo tàng Mỹ thuật nằm trên mặt tiền đường Lê Thị Hồng Gấm bị nghiêng. Một vài vị trí bị nứt và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Đặc biệt, cánh cổng sau đã bị lệch với góc thẳng đứng hơn 10 độ. Cơ quan chức năng hiện đã giăng dây cảnh báo, ngăn không cho người đi bộ đến gần.
Bên trong tòa nhà cao 3 tầng lầu hiện có nhiều trụ bị nứt toác, có đoạn chia cắt dài hơn 3 m. Ngoài ra, khối nhà tạm của bảo vệ nằm phía sau bảo tàng bị nứt, nghiêng ra phía mặt đường.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, cho biết khi công trình cao ốc tứ giác Bến Thành khởi công vào năm 2012, đào đất để thi công móng và tầng hầm thì 3 tòa nhà bảo tàng bị lún, mặt sàn và tường nhiều chỗ nứt kéo dài. Thậm chí, phù điêu "cá hóa long" nằm gần ống thoát nước ở tầng mái khối nhà 1 bị rơi.
"Bảo tàng đã chủ động phối hợp với tổng thầu công trình là Công ty CP Xây dựng Coteccons khắc phục sự cố. Tuy nhiên, sau thời gian tạm ngừng thi công, cuối năm 2019, công trình tiếp tục xây dựng tầng cao, lại gây ảnh hưởng đến bảo tàng" – ông Bình nói.
Phải thẩm định toàn bộ nền móng
Sáng 22-9, kỹ sư và một số công nhân phía đơn vị thi công đã ghi nhận những ảnh hưởng của bảo tàng để tìm giải pháp khắc phục. Trước đó, đầu tháng 9, phía đơn vị thi công đề xuất dùng giải pháp chống đỡ giữ kết cấu tòa nhà, tránh tiếp tục hư hỏng nhưng phía bảo tàng đánh giá không phù hợp.
Sở Xây dựng TP cho biết đang phối hợp các đơn vị liên quan và sẽ sớm có buổi làm việc với chủ đầu tư công trình cao ốc để khắc phục hậu quả trong tháng 10-2020. Trước mắt, phải xử lý tường rào, cổng, nền gạch và dãy nhà làm khối văn phòng. Riêng kết cấu tòa nhà sẽ có đơn vị kiểm định chất lượng công trình đến đánh giá tổng thể. "Việc tôn tạo và khắc phục phải có sự giám sát chặt từ chuyên gia và bảo đảm không giảm chất lượng công trình về sau" – Sở Xây dựng TP khẳng định.
Một thành viên thuộc Hội đồng Phân loại Biệt thự TP HCM cho biết vào năm 2018, các công trình xây dựng xung quanh cũng đã tác động đến kết cấu Bảo tàng Mỹ thuật TP. Tuy nhiên, lần đó mức độ ảnh hưởng không nghiêm trọng và đã khắc phục. Lần này, việc xây dựng cao ốc tứ giác Bến Thành gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, muốn công trình tiếp tục tồn tại với thời gian thì phải thẩm định toàn bộ nền móng để bảo đảm sau này không hư hỏng trở lại. 
Chậm kêu cứu!
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97-97A Phó Đức Chính, quận 1) trước đây vốn là căn nhà của gia đình ông Huỳnh Văn Hoa (tên khác: Hui Bon Hoa) – thương nhân người Hoa, được quen gọi là Chú Hỏa.
Xây dựng năm 1929, công trình kiến trúc này được xem là đẹp nhất toàn cõi Đông Dương thời đó. Tòa nhà hình chữ U, mái lợp ngói âm dương, tường dày 40-60 cm, trang trí phong cách kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Dinh thự này có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc khác nhau, rất độc đáo.
Năm 1987, tòa nhà được trưng dụng thành Bảo tàng Mỹ thuật và chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan từ năm 1992.
Họa sĩ Trang Phượng bày tỏ lo ngại khi Bảo tàng Mỹ thuật – di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố nhưng nứt, lún và bong tróc khắp nơi. "Nếu không có biện pháp bảo vệ khẩn cấp, di tích này sẽ lâm nguy" – họa sĩ Trang Phượng cảnh báo. Còn theo NSND họa sĩ Doãn Châu, động thái "kêu cứu" của cơ quan chức năng quá chậm khi các dấu hiệu hư hỏng đã xảy ra nhiều năm nay. "Nếu không có lộ trình sửa chữa khẩn cấp thì công trình này tiếp tục bị xâm phạm" – họa sĩ Doãn Châu nhận định.
 

THANH HIỆP (theo NLD)

Bình luận (0)