Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM tiếp tục thực hiện xây dựng trường học xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học giai đoạn 2016-2020, 2 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.


Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ký kết liên tịch

Theo báo cáo, sau hai năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU và Kế hoạch số 3098/KH-UBND ngày 29-7-2019 của UBND TP.HCM thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021, sau 4 năm thực hiện đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học, ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng trường học xanh và hạn chế rác thải nhựa trong toàn ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU được đưa vào trở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các cơ sở giáo dục trong hai năm học 2019-2020, 2020-2021; Các phòng GD-ĐT quận, huyện, TP và 100% các cơ sở giáo dục từ mầm non đến TC, CĐ đều nỗ lực thực hiện Chỉ thị 19; xây dựng kế hoạch lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa, lối sống văn minh, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp trong chương trình đào tạo, giáo dục ngoại khóa, chính khóa cho học sinh bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị. Với nhiều hoạt động đa dạng, như: tổ chức tuyên truyền, phát thanh về bảo vệ môi trường; tổ chức ngày hội tái chế chất thải, thi thời trang giấy, thi quét nhà làm sạch lớp học; hướng dẫn trồng, cách chăm sóc cây xanh, xem phim về bảo vệ môi trường; phối kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện phong trào chủ nhật xanh, chiến dịch tình nguyện, ra quân thực hiện tổng vệ sinh môi trường….

Theo ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, từ những nỗ lực thực hiện trong suốt 2 năm qua, đến nay đa phần cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh trên địa bàn TP đã thay đổi hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày: hạn chế sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa; phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải nguy hại, chất thải tái sử dụng tại các cơ sở giáo dục; tự trang bị cho mình những đồ dùng, vật dụng thay thế; không sử dụng túi ni lông, chai nhựa trong các buổi Hội Nghị; hạn chế, không sử dụng hộp xốp, hộp nhựa, túi ni lông…

Trong giai đoạn 2019-2021, nhằm lan toả và thực hiện có hiệu quả hơn nữa,  ngành GD-ĐT TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU và Kế hoạch số 3098/KH-UBND. Đồng thời tiếp tục chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo có liên quan đến giáo dục bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 19, tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên thay đổi nhận thức và có hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hằng ngày; tích cực thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhìn nhận, trường học đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Từ năm 2016, khi thực hiện ký kết liên tịch giữa 2 sở (Sở GD-ĐT TP.HCM- Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong từng nhà trường đã ngày càng được quan tâm với nhiều mô hình hay, cách làm ấn tượng, sự chung tay của học sinh, giáo viên và phụ huynh. “Thời gian tới, việc triển khai trường học xanh sẽ mở rộng ra thêm 2 tiêu chí là sạch và bảo vệ môi trường, hướng tới không chỉ xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh mà còn thân thiện với môi trường…”, bà Mỹ thông tin.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị trường học trên địa bàn TP khi đã đa dạng hoá hình thức, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU và Kế hoạch số 3098/KH-UBND. Các kết quả đạt được cũng thể hiện sự thành công trong việc ký kết liên tịch giữa hai Sở qua phong trào xây dựng trường học xanh trong suốt 2 năm qua. Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, thời gian tới ngành GD-ĐT sẽ có những kế hoạch cụ thể, chia theo từng giai đoạn, tiếp tục xây dựng phong trào trường học xanh, ký kết hợp tác với Sở Tài nguyên Môi trường.

Để triển khai một cách đồng bộ phong trào xây dựng trường học xanh, Chỉ thị 19-CT/TU và Kế hoạch số 3098/KH-UBND, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị phòng giáo dục 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức tiếp tục xây dựng kế hoạch 5 năm tiếp theo với những gạch đầu dòng cụ thể, triển khai một cách thường xuyên để phát huy cao nhất hiệu quả lan toả. Các kế hoạch phải xây dựng nghiêm túc, làm đồng bộ, liên tục, tính toán từ việc tập kết vận chuyển, xử lý rác cho đến việc trường không có nhiều cây lớn, không có khoảng sân rộng thì sẽ có phương thức triển khai như thế nào. Các nhà trường nghiên cứu văn bản, sáng tạo làm sao phù hợp nhất với đặc thù từng đơn vị, tình hình địa phương.

“Phòng GD các quận, huyện, TP phải có phương án tham mưu với lãnh đạo quận, huyện, phối hợp với phòng tài nguyên môi trường từng địa phương ký kết, cùng thực hiện, phù hợp với tình hình địa phương, nhân rộng các mô hình hay. Từ kế hoạch của địa phương, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch riêng, cụ thể, áp dụng trong nhà trường với đối tượng học sinh. Có thể đưa các câu nói gần gũi như “Mắt thấy rác- tay nhặt liền” vào trong hoạt động giáo dục để tăng tính lan toả”, ông Dương Trí Dũng đề nghị.


Các đơn vị trường học có nhiều các làm hay, mô hình sáng tạo được khen thưởng Trường học xanh

Theo ông Dũng, không chỉ dừng lại ở “Nhà trường không rác – Lớp học không rác”, tới đây ngành giáo dục cần phải thực hiện “Lễ hội không rác” theo đặc thù từng nhà trường. Tăng cường tuyên truyền nhận thức, vận động xây dựng nếp sống văn minh, lồng ghép trong các hoạt động giáo dục cụ thể. Đặc biệt, song song với kế hoạch thực hiện, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra phải được chú trọng, thực hiện thường xuyên liên tục, kịp thời nhân rộng các gương điển hình. Phòng giáo dục xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá thi đua các trường. Sở GD cũng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đánh giá các quận, huyện trong nội dung này.

Dịp này, Sở GD-ĐT TP.HCM và Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM đã thực hiện ký kết Kế hoạch phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường, giáo dục truyền thông về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2021-2022. Đồng thời, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã tiến hành khen thưởng 37 đơn vị trường học ở các cấp học đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng Trường học xanh, trao giấy chứng nhận Trường học xanh cho nhiều đơn vị.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)