Vào một buổi ăn cơm trưa cùng các giáo viên trong trường, cô giáo T. kể rằng trong giờ kiểm tra vừa rồi thấy một học sinh ngồi khóc thút thít, bài kiểm tra chưa có chữ nào mà thời gian làm bài cũng trôi qua được hơn mười phút. Cô T. đến hỏi em: “Tại sao em chưa làm bài kiểm tra mà khóc?”. Em học sinh lặng im một chút rồi trả lời cô rằng: “Thưa cô, em không biết mặt mẹ như thế nào để tả về mẹ, mẹ em mất khi em còn nhỏ…”. Lúc đó, cô T. hơi bối rối về hoàn cảnh của em, nên nói với em rằng: “Vậy, em xem cô là mẹ rồi tả cô như là mẹ mình, được không?”. Em trả lời: “Dạ, được” rồi sau đó em tiếp tục làm bài… Khi nghe chuyện này xong, tôi mới nói vui với cô T.: “Tưởng rằng một đề bài nhân văn và hết sức thực tế để học sinh chú ý đến người mẹ nhiều hơn thì vô tình ta lại khơi dậy nỗi đau của một học sinh khác. Đau lòng nhỉ!”. Khi ăn cơm xong, tôi hỏi cô T. tên và lớp em ấy học; sau đó tôi cũng tìm được tên em là H. và tên ba em là Đ. cùng số điện thoại của ba em.
Rồi tôi gặp em H. trong dịp tổ chức thi đấu cờ tướng trước ngày hội thao 26-3-2019 tại trường. Em có lối đánh cờ khá hay và đã giành giải nhất của khối 6 và khối 7 toàn trường. Tôi ngồi nói chuyện với em vài phút để tìm hiểu hoàn cảnh của em cũng như xác thực thông tin cô T. đã cung cấp. Sự thật là đúng như những gì cô giáo dạy văn kể trong buổi kiểm tra. Hoàn cảnh gia đình H. rất khó khăn, gia đình em quê Cần Thơ lên TP.HCM sinh sống, ba em làm thợ cơ khí gần nhà, nhưng thu nhập không có nhiều, cuộc sống tạm bợ qua ngày và nhiều lúc còn thiếu tiền đóng học phí. Tôi hỏi H. bây giờ mong ước gì, em nói rằng: “Em mong ba làm được nhiều tiền và có công việc tử tế”. Khi em nói mong ba có công việc tử tế thì tôi hơi thắc mắc, vì chỉ có con người tử tế chứ sao lại công việc tử tế nên hỏi lại: “Công việc tử tế là sao em?”, thì em trả lời là: “Công việc kiếm được nhiều tiền và không làm hại ai”. Tôi có hỏi em thêm một câu nữa: “Đó là ước mơ cho ba, còn ước mơ của em là gì?”. Lần này tôi thật sự bất ngờ vì em trả lời là muốn sau này “thành người tử tế”, tôi bất ngờ vì không dám chắc rằng em hiểu “tử tế” là như thế nào nhưng từng lời em nhắc đi nhắc lại hai từ “tử tế”, điều đó có lẽ sẽ làm nhiều người lớn giật mình và nhìn lại bản thân.
Với đại đa số, khi nhắc tới mẹ, kể về mẹ là niềm vui và tự hào nhưng không phải ai cũng dâng lên cảm xúc ấy, và trường hợp em H. là một ví dụ. Tôi mong cuộc đời đừng ai nhắc tới từ “mẹ” trước mặt em trong niềm vui quá lớn làm em dập dìu nước mắt… tủi thân vì không còn mẹ! Cuộc sống nhiều khó khăn và đã mất mát ngay từ nhỏ, liệu rằng ước mơ của em là “ba mình có việc làm lương thiện” và sau này em cũng làm việc gì đó lương thiện có thực hiện được không, khi mà còn nhiều rủi ro có thể ập đến bất ngờ. Ước mơ tử tế của em, sao nhói lòng mà đường xa quá vậy?
Nguyễn Minh Thanh (TP.HCM)
Bình luận (0)