Các bậc phụ huynh cần chú ý rèn cho trẻ một thói quen tích cực bằng những kỹ năng “nói không” với con…
“Nói không” với con cũng là một nghệ thuật của các bậc phụ huynh. Ảnh: IT
Thực tế nhìn thấy…
Tuấn mải mê nhìn theo những món hàng trên quầy một cách say sưa. Mẹ thì cứ thúc giục cậu đi cho mau kẻo không về nhà kịp giờ tan học của chị… Tuấn tỏ vẻ không hài lòng và mắt thì cứ dán vào chiếc xe ô tô với hai nòng súng đại bác trông thật kiêu hãnh. Cậu kéo tay mẹ và thầm thì: “Mẹ, con thích chiếc này”. Mẹ Tuấn lắc đầu và nhẹ nhàng bảo: “Hôm kia con mới mua chiếc xe ô tô đấy thôi. Chiếc này nào có khác gì?”. Tuấn bắt đầu hét to: “Nhưng con thích chiếc này cơ”. Mẹ Tuấn vẫn kiên nhẫn và nhỏ nhẹ bảo: “Con đã có nhiều đồ chơi rồi, chiếc này đắt lắm. Mua thì chỉ chơi được có mỗi một ngày rồi vứt lung tung…”. Tuấn giậm chân và hét toáng lên, đồng thời lăn đùng ra đất: “Con không chịu, con không chịu…”. Ai cũng lắc đầu và thì thầm bảo: “Chiều con quá mức” khi thấy mẹ Tuấn chào thua và lẳng lặng lấy ví tiền ra mua…
Thực tế cho thấy việc “nói không” với con ngày nay đã trở thành một thách thức quá lớn đối với nhiều bậc phụ huynh. Không ít bậc cha mẹ phải xuống nước để ngậm bồ hòn “nói có” hoặc phải buồn bã đồng ý với nhu cầu con trẻ chỉ vì không thể “nói không”. Điều này đang thực sự làm cho con cái không quen với kiểu từ chối, không quen với những lời không đồng ý… Từ đó tạo cho con thói quen vòi vĩnh, luôn cho rằng mình phải được phục vụ, con cái không đủ bản lĩnh để chấp nhận những thất bại hay những ý kiến trái ngược với suy nghĩ của mình trong tương lai. Không chỉ là trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non mà ngay cả những trường hợp khác cũng cho thấy nhiều phụ huynh làm hư con mình từ rất sớm. Việc đi chơi quá khuya không xin phép hay việc mua sắm một cách “vô tội vạ” những trang phục phá cách… Hay thậm chí cả việc sử dụng xe phân khối lớn hoặc việc “bão” đêm của những quái xế cũng bắt đầu từ việc cha mẹ chưa thể “nói không” với con… Điều này không chỉ xuất phát từ con cái khi chính những bậc cha mẹ trở nên yếu thế và vụng về đến mức “dễ thương” khi từ chối những yêu cầu quá đáng. Sự thể sẽ không đến nỗi nếu từ đầu, cha mẹ “nói không” với con…
Kỹ năng “nói không” với con!
Theo nguyên lý của thuyết nhu cầu thì bao giờ cũng vậy nhu cầu của con cái sẽ tăng tiến không ngừng. Việc chạy theo đuôi con trẻ là một thách thức đặc biệt. Không bao giờ có thể thỏa mãn hoàn toàn nhu cầu của con cái khi chính bản thân trẻ cũng không thể ý thức một cách đầy đủ về nhu cầu của chính mình. Bị hấp dẫn bởi yếu tố màu sắc, mong muốn khám phá bởi yếu tố mới lạ, bị áp lực của nhóm bạn, của sự giải trí làm những đứa con bao giờ cũng nảy sinh những đòi hỏi quá đáng. Sẽ “không thể hãm phanh” nếu như cứ chiều chuộng, đáp ứng một cách “vô tội vạ” cho con. Để giải quyết vấn đề này, các bậc cha mẹ cần chú ý rèn cho trẻ một thói quen tích cực bằng những kỹ năng “nói không” với con.
Thứ nhất, tập cho trẻ hiểu rằng những món đồ chơi mà cha mẹ tặng hay những vật dụng khác và cả những chuyến nghỉ hè là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con. Đó có thể là những món quà mà cha mẹ tặng thưởng khi con cái cố gắng và có nỗ lực. Việc làm này cần nhất phải có sự kiên nhẫn cũng như sự nỗ lực ý chí của các bậc cha mẹ. Đừng vì quá thương con hay có ý nghĩ bù đắp, hy sinh để tạo cho con mình một thói quen không tốt.
Thứ hai, để có kỹ năng “nói không” với con cần có những quyết sách khá cứng rắn trong những trường hợp nhất định. Khi con cái đòi hỏi quá đáng hoặc có thái độ vòi vĩnh, cha mẹ cần thực sự quyết đoán khi nói lời từ chối. Chính thái độ quyết liệt hoặc rất rõ ràng của cha mẹ sẽ giúp trẻ hiểu rằng sự đòi hỏi của mình là chưa hợp lý. Mặt khác, việc cương quyết của các bậc cha mẹ thể hiện rõ qua hành động dứt khoát, lời nói rõ ràng và cả những ứng xử kiên định… Trẻ sẽ dần dần hiểu rằng trong những trường hợp như thế thì dù có “mè nheo” đi nữa cũng chẳng thể dồn ép cha mẹ… Lẽ dĩ nhiên, các bậc cha mẹ khi đã ứng xử kiên quyết theo kiểu thực hiện kỹ năng nói không với con thì đừng vội vàng xót xa, tội nghiệp hay lại có thái độ điều chỉnh theo hướng chuộc lỗi thì mọi sự vẫn không thể hiệu quả.
“Nói không” với con không chỉ giúp con biết điều chỉnh mình trong hiện tại mà thực sự đó là một “lộ trình” lâu dài được hoạch định sẵn cho con của mình. Thương yêu con trẻ không có nghĩa là đáp ứng tối đa nhu cầu của con hay thỏa mãn một cách trọn vẹn bất kỳ sự đòi hỏi nào của con trẻ. Điều này chỉ được thực hiện nếu như các bậc cha mẹ ý thức việc rèn luyện kỹ năng nói không với con trong những tình huống khác nhau của cuộc sống một cách thường xuyên, liên tục.
|
Thứ ba, để thực hiện kỹ năng “nói không” với con cần giúp con hiểu được những giới hạn nhất định trong nhu cầu của mình. Trong những trường hợp cần thiết, cũng nên giải thích để con hiểu về hoàn cảnh thực tế của gia đình, về khả năng kinh tế của cha mẹ cũng như những nỗi lo khác để trẻ hiểu được một cách tương đối. Tùy từng độ tuổi để có thể có những lời giải thích hay sự phân tích vừa phải và phù hợp lứa tuổi để trẻ hiểu rằng trong những trường hợp cần thiết, cha mẹ sẽ nói không khi con đòi hỏi. Ngoài ra, việc sử dụng biện pháp nêu gương cũng là một trong những tác động giáo dục khá hữu hiệu để con cái hiểu rằng việc cha mẹ thực hiện kỹ năng nói không vẫn dựa trên cơ sở vì tình thương, vì trách nhiệm mà không phải là không quan tâm, ghét bỏ.
Thứ tư, các bậc cha mẹ để hình thành kỹ năng “nói không” với con cũng như sử dụng kỹ năng này cần vượt qua được những áp lực của nhóm đông hay của bạn bè, hàng xóm. Thực tế cho thấy việc “theo đuôi” hay ám thị đám đông thường thôi thúc các bậc cha mẹ quan tâm đến con theo kiểu phải “bằng chị, bằng em”. Điều này sẽ là điều kiện phá vỡ những gì thuộc về kỹ năng nói không với con mà chính cha mẹ nhận thức được và bắt đầu hình thành. Việc hình thành kỹ năng nói không phải dựa trên sự quan tâm đích thực cũng như sự rèn luyện một cách kiên định của các bậc cha mẹ…
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)