Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Từ đề tài luận án tiến sĩ về… cầu lông: Cần siết chuẩn đầu ra để nâng chất lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Đề tài luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” tuần qua nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Một số ý kiến cho rằng, để hạn chế những đề tài không giống… luận án tiến sĩ như vậy, cần siết chuẩn đầu ra trong đó yêu cầu đề tài phải có công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế.


Đề tài luận án tiến sĩ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” được đăng tải ở chuyên trang luận văn – luận án của Bộ GD-ĐT (ảnh chụp màn hình)

Đề tài về cầu lông nói trên được thực hiện bởi nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23-12-2021 tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Cán bộ hướng dẫn là GS.TS Lưu Quang Hiệp và PGS.TS Đặng Văn Dũng.

Sáu giải pháp phát triển môn cầu lông

Theo thông tin giới thiệu đăng tải ở chuyên trang luận văn – luận án của Bộ GD-ĐT, luận án này có những đóng góp mới, kết quả nghiên cứu đạt được một số thành tựu. Cụ thể là thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La như: Nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế. Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông ở đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.

Quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm: Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu cầu lông; phát triển môn cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào cầu lông cho công chức, viên chức; hoàn thiện hệ thống thi đấu cầu lông cho công chức, viên chức; mở rộng các hình thức tập luyện cầu lông cho công chức, viên chức; khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào cầu lông của công chức, viên chức.

Trên cơ sở thực nghiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn cầu lông. Kết quả thực nghiện cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết.

Phải có “khâu” công bố quốc tế

Tuy nhiên, TS. Lê Văn Út (Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) lại cho rằng, đề tài nói trên không thể là đề tài luận án tiến sĩ được. Bởi nói đến luận án tiến sĩ cần có kết quả mới trong chuyên ngành và có đóng góp về mặt lí luận hoặc thực tiễn cho chuyên ngành. Thêm vào đó, các đề tài của luận án tiến sĩ cần được nghiên cứu trong thời gian dài và có công bố trên những tạp chí khoa học uy tín trong chuyên ngành để tăng tính khách quan.

“Qua việc này, có thể thấy yêu cầu nghiên cứu sinh phải có các công bố khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus uy tín trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhằm tăng tính khoa học và tính khách quan của luận án càng trở nên cấp bách”- TS. Lê Văn Út (Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Trường ĐH Tôn Đức Thắng) nhấn mạnh.

Theo ông Út, trong trường hợp này, có sự nhầm lẫn giữa đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ với các công việc thuộc nhiệm vụ của các cá nhân/tổ chức nhận lương phải làm hàng ngày. Chuyện phát triển cầu lông trong công chức là việc làm thuộc trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức hay của các hội/đoàn để nâng cao sức khỏe cho công chức; không cần phải nghiên cứu, càng không cần đến luận án tiến sĩ để tìm hiểu.

“Khi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công một đề tài như vậy, trách nhiệm khoa học sẽ thuộc về người hướng dẫn và sau đó là cơ sở đào tạo. Bởi người hướng dẫn có quyền quyết định xem đề tài đó có nên cho thực hiện luận án tiến sĩ hay không và cơ sở đào tạo có quyền không phê duyệt những tiêu đề luận án tiến sĩ nếu thấy không ổn”- Ông Út nhận định.

“Qua việc này, có thể thấy yêu cầu nghiên cứu sinh phải có các công bố khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus uy tín trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhằm tăng tính khoa học và tính khách quan của luận án càng trở nên cấp bách”- ông Út tiếp tục nhấn mạnh.

Ông Út đặt vấn đề ban hành quy định chuẩn đầu ra chuẩn mực đối với các luận án tiến sĩ. Muốn nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ trong cả nước thì phải có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn đầu ra, nên xem lại việc chạy theo số lượng trong đào tạo tiến sĩ vì việc này sẽ để lại hậu quả khó lường và kéo dài. Và các đơn vị quản lý Nhà nước cần phải tăng cường trách nhiệm thanh – kiểm tra để có thể ngăn chặn các trường hợp không đạt chuẩn.

M.Tâm

Bình luận (0)