Đường Đặng Văn Kiều xã Cần Thạnh (Cần Giờ) năm 2017 chỉ có giá 7 triệu đồng mỗi m2 nhưng nay lên đến 21,6 triệu đồng, tăng 207%.
Công ty TNHH Gachvang vừa công bố báo cáo mới nhất về diễn biến giá đất tại Cần Giờ, huyện đảo giáp biển duy nhất của TP HCM qua các năm 2017-2018 đến quý II/2019, đặc biệt giai đoạn cao điểm năm 2017-2018 có biến động mạnh nhất.
Đây là khoảng thời gian cơn sốt đất tại Sài Gòn lan tới huyện đảo nằm chếch về phía Nam thành phố, thổi lửa vào thị trường nhà đất xã vùng ven này. Cùng với những thông tin về diễn biến của cầu Cần Giờ và dự án lấn biển tại địa phương, trong vòng 28 tháng qua, giá đất nhiều tuyến đường lớn tại 3 xã: Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa đã liên tục leo thang.
Đặng Văn Kiều, một tuyến đường nằm tại xã Cần Thạnh, có biến động giá cao nhất huyện đảo này, từ cột mốc 7,02 triệu đồng mỗi m2 năm 2017 đã nhảy vọt lên vùng giá 21,6 triệu đồng mỗi m2 vào tháng 4/2019, tăng 207%. Cao điểm tăng giá đất trên tuyến đường này rơi vào giai đoạn 2017-2018.
Đường Tắc Suất, xã Cần Thạnh, có tốc độ tăng giá cao thứ hai huyện đảo này, trong giai đoạn khảo sát đã biến thiên từ 9,24 triệu đồng mỗi m2 lên 18 triệu đồng mỗi m2, đội giá lên 97,83%.
Duyên Hải – tuyến đường lớn nhất và lâu đời nhất Cần Giờ xếp thứ ba về biên độ tăng giá tại huyện đảo này. Đoạn đi qua xã Long Hòa hiện có giá trung bình 16 triệu đồng mỗi m2, tăng 57,5% trong khi đoạn đi qua xã Cần Thạnh đang giao dịch ở mức giá bình quân 33,17 triệu đồng mỗi m2, tăng 76,6%. Từ Chợ Cần Giờ đến Nghĩa trang Liệt sĩ Rừng Sác là đoạn có giá đất nóng nhất trên đường Duyên Hải.
Đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Ảnh: Vũ Lê |
Rừng Sác, tuyến đường dài 34 km, dẫn từ xã Bình Khánh đi qua xã Long Hòa, trong đó có 11 km có dân cư sinh sống (bao gồm cả khu gần UBND huyện), cũng nằm trong top những tuyến đường có giá cao và tăng giá mạnh nhất trong gần 30 tháng qua. Cụ thể, đường Rừng Sác thuộc địa bàn xã Bình Khánh hiện có giá bình quân 33,89 triệu đồng mỗi m2, tăng 50,62% so với năm 2017 trong khi đoạn đi qua xã Long Hòa có giá 10,2 triệu đồng mỗi m2, tăng 40,9%.
Các trục đường Đào Cử, Hà Quang Vóc, Lê Hùng Yên lần lượt có giá đất giao dịch bình quân ở mốc 28,56 – 25,8 – 21,6 triệu đồng mỗi m2, đều có tốc độ tăng giá trên 50% trong vòng 28 tháng qua. Đất trên đường Giồng Ao và Lương Văn Nho đi qua xã Cần Thạnh cũng đã tăng giá 25-45,5%.
Báo cáo của Gachvang cho biết thêm, giai đoạn tăng giá mạnh nhất của huyện Cần Giờ rơi vào các năm 2017-2018, khi giá đất tại 3 xã sầm uất nhất huyện Cần Giờ là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa đã tăng tới 146%.
Từ cuối năm 2018 đến đầu quý II/2019, đất Cần Giờ bắt đầu xuất hiện tình trạng đi ngang nhưng một số tuyến đường vẫn tiếp tục biến thiên nhẹ hoặc neo ở vùng giá cao. Trong 4 tháng gần đây, tỷ lệ tăng giá đất cao nhất trên huyện đảo này ghi nhận đạt 25% và mức tăng phổ biến là trên dưới 10%.
Khảo sát của VnExpress, từ cuối năm 2016 cơn sốt đất bùng nổ tại TP HCM, khởi phát từ khu Đông sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều quận huyện. Thế nhưng mãi đến đầu năm 2017, đỉnh điểm là tháng 4/2017, sốt đất chính thức lan mạnh tới Cần Giờ, một xã vẫn còn heo hút và có giá đất thấp nhất Sài Gòn.
Giai đoạn 2017 – quý II/2019, cứ sau Tết giá đất tại huyện đảo này lại có dấu hiệu biến động một lần. Đa phần các giao dịch đất đai ghi nhận phổ biến tại địa phương này đều là các lô lớn trên 1.000 m2 đến vài ha, thậm chí cả chục ha, thuộc nhóm đất hỗn hợp, trong đó có một vài trăm m2 là đất thổ cư, còn lại là đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp. Tuy nhiên, những lô đất thổ cư nhỏ, đôi ba trăm m2, giá đất đắt hơn mức rao trên thị trường 15-20% do khan hiếm dòng sản phẩm này.
Huyện Cần Giờ cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km, có hàng chục cù lao lớn nhỏ, tiếp giáp biển Đông với khoảng 20 km bờ biển và là bán đảo duy nhất của Sài Gòn hướng ra biển. Trên huyện đảo này có rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc với hệ sinh thái đa dạng. Hiện Cần Giờ có 6 xã: Long Hòa, Bình Khánh, Thạnh An, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông và một thị trấn là Cần Thạnh, trung tâm huyện lỵ đặt tại thị trấn Cần Thạnh.
Theo bảng giá đất ban hành của UBND TP HCM, có 3 khu dân cư tại huyện đảo này được ban hành giá đất thấp nhất thành phố gồm: Thạnh Bình, Thạnh Hoà và Thiềng Liềng (xã Thạnh An), giá 170.000 đồng một m2. Tuy nhiên, hiện nay, tại huyện đảo từng được mệnh danh nơi bình lặng nhất, có giá đất thấp nhất Sài Gòn đã hình thành một thị trường mua bán bất động sản sôi động ít ai ngờ tới.
Theo Vũ Lê/Vnexpress
Bình luận (0)