Những năm trước, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử thường chỉ ở mức thấp trong nhóm ngành đào tạo giáo viên. Thế nhưng năm nay, ở tất cả các trường có đào tạo ngành này đã chứng kiến một cuộc đại nhảy vọt của điểm chuẩn.
Tại Trường ĐH Quy Nhơn, năm nay ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm chuẩn 28,5. So với năm 2021, điểm chuẩn tăng 9,5 điểm. Tại Trường ĐH An Giang, điểm chuẩn ngành này cũng tăng hơn 6,5 điểm so với năm trước, đạt mức 26,5.
Năm 2021, Sư phạm Lịch sử nằm trong top ngành Sư phạm có điểm chuẩn thấp nhất Trường ĐH Vinh thì năm nay, điểm chuẩn vọt lên cao thứ nhì với 25,75 điểm, tăng 4,75 điểm. Ông Lê Xuân Vinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Quy Nhơn cho biết, khi công bố điểm sàn, nhà trường đã xác định luôn ở mức 28,5 điểm với 6 ngành sư phạm, trong đó có Sư phạm Lịch sử. Lý do là chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành này rất ít, chỉ 8-18 chỉ tiêu. Trong khi đó, ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Trường còn xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT.
Một nguyên nhân nữa là điểm thi năm nay của thí sinh cao, số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều, các trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn một tỉ lệ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt là điểm thi của tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) cao nên không chỉ ngành Sư phạm Lịch sử mà nhiều ngành khối Xã hội Nhân văn khác cũng có điểm chuẩn tăng. Theo đánh giá của các trường, các ngành tuyển sinh tổ hợp C00 năm nay đa số có điểm chuẩn tăng do điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử tăng vọt so với các năm trước. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử lệch phải qua mốc 5 điểm. Điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử những năm trước thường xếp “đội sổ” thì năm nay phổ điểm tương đối đẹp, nhiều điểm 10.
Đưa về giá trị thực
Các trường giảm phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp khi tuyển sinh, điểm chuẩn sẽ hạ nhiệt. Ảnh: Nghiêm Huê
Bên cạnh một số ngành học điểm chuẩn vẫn ở mức cao, bức tranh tuyển sinh chung của các trường ĐH năm nay có thể thấy “cơn sốt” điểm chuẩn đã giảm nhiệt so với năm 2021. Tính đến hôm qua, cả nước chưa có ngành học nào có điểm chuẩn tuyệt đối. Những ngành năm ngoái có điểm chuẩn tuyệt đối hoặc trên tuyệt đối như Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (điểm chuẩn 30,5/30 điểm); ngành Hàn quốc học, Đông phương học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (điểm chuẩn 30/30 điểm); ngành Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân đối với nữ phía Bắc của Học viện Chính trị Công an Nhân dân (30,34/30 điểm) thì năm nay đều giảm nhiệt. Trong đó, ngành Hàn Quốc học, Đông phương học giảm 0,05 điểm, ngành Sư phạm Ngữ văn giảm 0,56 điểm.
Đặc biệt, ngành Xây dựng Lực lượng Công an Nhân dân đã giảm 4,08 điểm. Sở dĩ ngành này điểm chuẩn giảm “sốc” là do Bộ Công an có chính sách điều chỉnh phương án tuyển sinh. Theo đó, năm nay, lần đầu tiên, Bộ tổ chức bài thi đánh giá để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm xét tuyển là tổng điểm của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường các Công an Nhân dân (hiện tại có 8 trường; và điểm bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an (chiếm tỷ lệ 60%). Điểm xét tuyển được quy về thang điểm 30 làm tròn đến 2 chữ số thập phân cộng với điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, điểm thưởng theo quy định của Bộ Công an. Theo đánh giá của Bộ Công an, do bài thi đánh giá có độ phân hóa cao nên điểm thi và điểm trúng tuyển đã có sự thay đổi, không còn tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn như những năm trước.
Tương tự, điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng giảm so với năm 2021. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn các phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của 60 chương trình đào tạo. Trong đó, có 5 chương trình trường không sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022.
“Nhà trường quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ. Vì nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao” PGS. TS Nguyễn Phong Điền |
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đây là 5 chương trình có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 sẽ đẩy điểm chuẩn những chương trình này lên “chạm trần”. Năm ngành này năm trước điểm chuẩn đều thuộc top đầu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội như Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (28,04 điểm/30 điểm); An toàn không gian số (27,44 điểm); Công nghệ Thông tin (27,85 điểm); Công nghệ Thông tin Việt Pháp (27,19 điểm).
PGS Điền cũng cho biết, khi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh, trường chia theo ngành. Vì thế, với ngành Công nghệ Thông tin, có một số chuyên ngành không tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu dựa vào phương thức thi tốt nghiệp THPT cho ngành này. Kết quả cho thấy cả 5 chương trình mà trường không tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp THPT đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)