Ấn tượng đầu tiên về cô Nguyễn Ngọc Hương Mỹ (Tổ trưởng Tổ vật lý, Trường THPT Marie Curie, Q.3) là sự thân thiện, chân thành. Là một trong số rất ít những GV, lại là GV trẻ nhận được giấy khen của Ban Tuyên giáo Thành ủy về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng cô Hương Mỹ thổ lộ rằng “mình chưa làm được gì nhiều cho học trò…”!
Cô Nguyễn Ngọc Hương Mỹ (Trường THPT Marie Curie) luôn tận tụy với học sinh
Công tác tại Trường THPT Marie Curie từ năm 2006 trong vai trò GV hợp đồng, vừa làm công tác giám thị, vừa đứng lớp. Ngày đó, cô Hương Mỹ vừa ra trường, được dạy hợp đồng trong một ngôi trường danh tiếng, cô rất háo hức, tự hào. Thấy thời gian rảnh nhiều, cô đăng ký theo học lên thạc sĩ.
Chính từ niềm háo hức, tự hào cùng tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” của Bác thấm nhuần từ những ngày là học trò tiểu học, nên dù chỉ là SV mới ra trường nhưng cô Hương Mỹ lại là người đầu tiên “đặt nền móng” mở ra những sân chơi khoa học cho HS trong trường từ những năm 2007. “Ngày ấy, nguồn tài liệu rất hiếm, mà chủ yếu là tài liệu nước ngoài. Để đọc hiểu cho sâu đã khó, để áp dụng vào trường, vào đối tượng HS trong trường còn khó hơn. Nhưng thấy học trò nước bạn làm hay quá nên mình ham, cứ mày mò học”, cô Hương Mỹ kể. “Lúc mới đưa các sân chơi về trường, khó nhất là… lôi kéo HS. Bởi HS thường nghĩ rằng khoa học là rất khó, là kiến thức cao siêu. Thế nên, mình càng phải làm, làm để các em thấy khoa học rất đơn giản, rất… thú vị để các em đến với mình. Rồi mới quá nên không dám báo BGH ngay. Còn nhớ, lần đầu tiên đưa sân chơi bắn tên lửa nước về trường vì không dám báo BGH, cô và trò âm thầm làm, đến khi thành công mang ra sân sau trường bắn thử, nó kêu… đoàng một cái, BGH chạy ra, tưởng mình phá trường…”, cô Hương Mỹ vui vẻ nhớ lại.
Cứ thế, suốt hơn 12 năm qua, từ “cái nôi Marie Curie”, các sân chơi khoa học như bắn tên lửa nước, sân chơi Robot, sân chơi STEM được hình thành, lan rộng, tạo nên thương hiệu riêng của không chỉ Tổ vật lý mà còn của toàn trường. “Khi mới làm, mình chỉ nghĩ là tạo ra một sân chơi bổ ích để các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, thấy được sự gần gũi của bộ môn với cuộc sống. Nhưng càng ngày, mình càng nhận thấy rằng, chính từ sân chơi này sẽ truyền được cảm hứng về khoa học cho HS, hướng các em đến với nghiên cứu khoa học vì cộng đồng, định hướng nghề nghiệp cho các em. Nhất là tạo ra một nơi để các em có thể thỏa trí sáng tạo, kéo các em rời xa với những cám dỗ cuộc sống hiện đại..”, cô Mỹ bày tỏ.
Không chỉ là “cây đa” tạo sân chơi cho HS, trong vai trò là GV bộ môn, GVCN, cô Hương Mỹ cũng “đốn tim” biết bao thế hệ học trò bởi sự gần gũi, “thưởng phạt phân minh” làm gương cho HS của mình. Chẳng thế mà học trò lớp 12A1 – lớp cô chủ nhiệm năm nay ưu ái dành cho cô cái tên “chị đại”, hàm ý chỉ sự tận tình, bao dung của cô chủ nhiệm. “Thích nhất ở cô cách cô giảng bài dễ hiểu, tận tâm. Những bài học vật lý, những tiết sinh hoạt chủ nhiệm luôn được cô lồng vào cùng những bài học về cuộc sống, cô dạy chúng em phải nhìn cuộc sống đa chiều. Đặc biệt, cách cô làm việc khoa học, tiết kiệm và đúng giờ làm chúng em học được rất nhiều điều”, Nguyễn Thiên Ân (đại diện lớp 12A1) chia sẻ.
Chính sự tận tâm của cô trong môn học còn khiến cậu bạn Phạm Phan Hồng Duy (lớp 12A1) từ việc rất sợ môn vật lý chuyển sang yêu thích môn học và quyết tâm trở thành… GV dạy vật lý như cô.
Những kỷ niệm về cô Hương Mỹ, với học trò còn là những lần cô thức xuyên đêm lắng nghe những tâm sự vu vơ cùng HS trong đêm hội trại, nhiệt tình “làm chị Thanh Tâm” gỡ rối tơ lòng cho những tâm sự thầm kín của HS, hay những lần cả lớp kéo đến nhà cô, hò hét cổ vũ bóng đá đến khản cả cổ, những lần cô trò kéo nhau đi lê la quán xá uống trà sữa…
“Chị đại của chúng em hiền lắm. Chúng em chỉ muốn nói là tình cảm của lớp dành cho cô chỉ có vận tốc ánh sáng mới đong đếm được. Cảm ơn cô nhiều lắm!”, lớp 12A1 gửi gắm.
Thậm chí, có HS lớp chủ nhiệm của cô giờ đã là… đồng nghiệp cùng trường với cô. Được cô khuyến khích, trao cơ hội… nói trước đám đông nên cô bạn đã mạnh dạn chọn theo con đường GV tâm lý. “Mình từng rất xúc động khi học trò nói rằng, chỉ có cô mới dám cho em đứng nói. Chính niềm tin của cô dành cho em khiến em thấy tin tưởng vào bản thân mình hơn”, cô Mỹ xúc động nhớ lại.
“Mình quan điểm rằng, với người GV, học tập và làm theo tấm gương của Bác trước hết phải là sự nêu gương, nghiêm túc, làm bạn cùng với HS. Đơn giản như đi dạy đúng giờ để dạy các em biết đúng giờ, sử dụng giấy hai mặt để dạy các em biết tiết kiệm, hành động bằng tình yêu thương… Đó còn là tinh thần tự học suốt đời, học không chỉ từ đồng nghiệp mà còn từ chính HS mình. Khi mình có sự cầu thị, ham học thì HS cũng sẽ có sự cầu thị, ham học…”, cô Hương Mỹ chia sẻ.
Đỗ Yến Hoa
Bình luận (0)