Chiều 24.5, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, họp triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đồng thời công bố trên địa bàn tỉnh đã phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên.
Cụ thể ngày 21.5, ngành chức năng ghi nhận có 187 con lợn của 4 hộ dân ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, H.Tân Hồng mắc bệnh chết. Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, kết quả dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước tình hình trên, Đồng Tháp thành lập 14 trạm kiểm dịch và chốt kiểm dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phân công cán bộ trực 24/24 tại các trạm kiểm dịch đầu mối; công khai chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dân với giá 38.000 đồng/kg…
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang trong ngày 24.5 phối hợp UBND H.Tân Hiệp và UBND xã Tân Hiệp B tiến hành tiêu hủy đàn lợn 33 con của gia đình bà Nguyễn Sol Pha (ngụ xã Tân Hiệp B, H.Tân Hiệp) do kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đây là ổ dịch được phát hiện đầu tiên ở Kiên Giang.
Cùng ngày, UBND H.Chư Pưh (Gia Lai) xác nhận trên địa bàn đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại xã Chư Don với 21 con lợn của 3 hộ bị chết. Đến nay đã có 135 con lợn của 35 hộ trên địa bàn xã Chư Don chết; ngoài ra trong ngày 23.5, tại các xã Ia Le và Ia Blưh (H.Chư Pưh) cũng phát hiện thêm 24 con lợn bị chết. Trong hôm qua, UBND tỉnh Gia Lai đã có công điện khẩn yêu cầu triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Hôm qua, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức lễ phát động "Tháng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch tả lợn châu Phi" trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện Đồng Nai đã có 8 xã thuộc 4 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành có dịch tả lợn châu Phi.
Kiểm tra việc cấm bán thịt lợn tại chợ
Khoảng 1 tuần nay, các tiểu thương buôn bán, kinh doanh thịt lợn ở H.Triệu Sơn (Thanh Hóa) bức xúc khi chính quyền ra lệnh cấm buôn bán thịt lợn tại các chợ để phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tại chợ Thiều (xã Dân Lý), từ ngày 16.5, UBND xã Dân Lý không những gửi thông báo đến các tiểu thương, mà còn treo nhiều băng rôn từ cổng vào chợ cho đến khu vực chuyên bán thịt lợn với nội dung “cấm bán thịt lợn tại chợ Thiều”. Tại các xã Nông Trường, Hợp Thành… của H.Triệu Sơn, chính quyền xã cũng thông báo cấm bán thịt lợn gây bức xúc cho người dân.
Ông Bùi Văn Tỉnh, Phó chủ tịch UBND xã Dân Lý, xác nhận việc đó là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND H.Triệu Sơn. Tuy nhiên, ông Lã Văn Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Triệu Sơn, lại phủ nhận và cho rằng huyện không chỉ đạo các xã cấm buôn bán thịt lợn tại các chợ. Ngày 24.5, trả lời Thanh Niên, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, khẳng định các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng và UBND tỉnh Thanh Hóa không cấm hoàn toàn việc buôn bán thịt lợn cả trong và ngoài vùng dịch. “Việc buôn bán thịt lợn ở các chợ không cấm, nếu lợn được kiểm tra, giám sát của cơ quan thú y xác định là âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Nên việc địa phương nào cấm hoàn toàn tiêu thụ thịt lợn là không đúng”, ông Giang nói.
Ông Giang cho biết đã cử đoàn công tác về H.Triệu Sơn kiểm tra làm rõ vấn đề; đồng thời có ý kiến với lãnh đạo UBND H.Triệu Sơn dừng việc cấm bán thịt lợn ở các chợ.
Theo Thanh Niên
Bình luận (0)