Tại cuộc thi lập trình Wecode và Robothon quốc tế tổ chức tại Thẩm Quyến (Trung Quốc) cuối năm 2018, em Ngô Phi Yến – học sinh lớp 4A3 Trường Tiểu học Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP. Cần Thơ – đã đoạt chức vô địch ở nội dung Wecode. Đây là lần đầu tiên nhà trường có học sinh đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi quốc tế.
Cô Trịnh Thị Nhung (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thủy), cô Trần Thị Kim Quyên (Phó Hiệu trưởng nhà trường) và Nguyễn Minh Thủy Tiên (giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3, từ trái sang phải) trò chuyện với em Ngô Phi Yến
Với gương mặt hiền lành, đôi mắt sáng đầy nghị lực, nói chuyện lễ phép, có chiều sâu nhận thức vượt hơn lứa tuổi, Yến dễ chiếm cảm tình của người đối diện. Kết thúc năm học 2018-2019, Yến là một trong 2 học sinh dẫn đầu khối 4 Trường Tiểu học Bình Thủy với điểm 10 tất cả các môn học. Các môn âm nhạc, thể dục, kỹ thuật đều hoàn thành tốt về năng lực và phẩm chất.
Cô Nguyễn Minh Thủy Tiên (giáo viên chủ nhiệm lớp 4A3) nhận xét: “Yến có tố chất thông minh, lại siêng năng. Có năng khiếu và kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Em tiếp thu bài giảng rất nhanh, đặc biệt là những bài khó. Ngoài ra, em luôn tích cực đóng góp xây dựng bài giảng cùng thầy cô. Đặc biệt, đối với những bài toán nâng cao em không bao giờ kêu thầy cô giảng mà tự tìm cách giải, chọn những cách giải hay, lạ”. Mẹ của em cũng cho biết: Khi làm những bài tập nâng cao ở nhà, Yến đều cố gắng tìm hướng làm bài, khi nào không biết mới nhờ mẹ. Yến có thói quen làm các bài tập ra giấy nháp, khi có đáp số mới viết vào vở nên vở luôn sạch, chữ viết và cách trình bày rất đẹp.
Với 2 bằng Cambridge English đạt điểm xuất sắc (Movers 14/15 điểm và Starters 15/15 điểm), Yến có khả năng đọc văn bản và giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh. Lợi thế về tiếng Anh góp phần giúp em đoạt giải cao nhất tại cuộc thi lập trình Wecode và Robothon quốc tế (Ngày hội Công nghệ số quốc tế 2018) tổ chức tại Thẩm Quyến ngày 25-11-2018 với sự tranh tài của 150 đội tuyển học sinh thuộc các nước khu vực Đông Nam Á. Tại đây, Yến dự thi Wecode với sản phẩm lập trình dài hơn 3 phút, chủ đề “Bảo vệ môi trường”. Nội dung sản phẩm sinh động với cách đặt vấn đề: Phần 1 là hình ảnh dòng sông đầy rác khiến dòng nước bị nghẹt, chuyển thành màu đen và bốc mùi hôi. Hình ảnh khác là một khu dân cư với bãi rác lớn. Không khí ô nhiễm, nhiều ruồi, muỗi; người dân và trẻ em gầy yếu, xanh xao vì mắc nhiều bệnh… Trên bối cảnh đó, hai nhân vật trao đổi với nhau về nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường và những hậu quả đối với cuộc sống và hành tinh trái đất. Phần 2 là cách giải quyết: Yến sử dụng câu lệnh và thiết bị cảm biến, tận dụng ưu thế của trí tuệ nhân tạo để giới thiệu mô hình một thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp, có trẻ em đang vui chơi. Mọi người dân đều vui vẻ, mạnh khỏe. Nhà ai cũng sạch đẹp vì chủ nhà dọn dẹp, quét rác, đặc biệt là chú robot đi thu gom và vớt rác dưới sông. Dòng sông có thiết bị cảm biến để thông báo về độ trong, sạch, hoặc bị ô nhiễm của nước… Kết thúc là hai người xuất hiện, nhấn mạnh thông điệp: “Môi trường chỉ được bảo vệ khi có sự tham gia cùng ý thức tự giác của cộng đồng” và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, tuyệt đối không được xả rác xuống kênh, rạch. Mọi người phải thường xuyên dọn dẹp để nhà cửa sạch sẽ, môi trường chung quanh sạch đẹp. Các loại rác phải để gọn một chỗ… Khi sản phẩm vào chung kết, em tự tin thuyết minh và trả lời những câu hỏi của Hội đồng giám khảo bằng tiếng Anh lưu loát, với những lý lẽ thuyết phục để bảo vệ cho giải pháp của mình.
Trong lớp, Yến làm Tổ trưởng Tổ “Mặt Trời”. Với sự điều hành của em, tổ luôn hoàn thành công việc giáo viên chủ nhiệm giao. Tổ có 8 học sinh, trong đó 3 bạn năng lực tiếp thu yếu, Yến nhận trách nhiệm giúp cô hướng dẫn, kèm cặp để cả 3 nắm được chuẩn kiến thức các bài học. Vì vậy, các thành viên trong tổ, trong lớp đều quý mến Yến. |
Chúng tôi hỏi vì sao chọn đề tài này?, Yến thật thà trả lời: “Em rất thích học tin học, toán và tiếng Anh. Khi làm sản phẩm dự thi có thể phát huy 3 môn này. Em chọn đề tài bảo vệ môi trường vì những dịp theo mẹ đi công tác, em thấy tình trạng ô nhiễm môi trường đã tới mức báo động, nhiều dòng sông đầy rác, nước đen, bốc mùi hôi. Nhiều bãi rác lớn ở những khu dân cư. Em đọc báo thấy những con cá heo bị chết, trong bụng đầy rác thải nhựa, rồi tình trạng phá rừng tràn lan khiến nước lũ tràn xuống làm chết người, phá hủy nhà cửa, ruộng vườn… Thật đau lòng. Em nghĩ, nếu chúng ta không chung tay bảo vệ môi trường thì chính loài người sẽ tự hủy diệt cuộc sống của mình”. Yến cho biết thêm, trong quá trình làm sản phẩm, em tham khảo tài liệu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo bằng tiếng Anh, và quan trọng nhất là được sự tư vấn của mẹ cùng sự hỗ trợ của cô Phạm Thị Trúc Linh (giáo viên dạy môn tin học). Mẹ của Yến – ThS. Phan Thị Anh Thơ (công tác tại Trạm khí tượng TP.Cần Thơ) cho biết: “Tôi không áp lực cháu phải đạt học sinh giỏi mà quan trọng là rèn cho cháu lòng yêu thích khoa học, ý thức tự học, tự lực, không được xem nhẹ, để mất kiến thức cơ bản bất cứ môn học nào. Nói thật, tôi cho rằng những thành quả của Yến phần lớn là nhờ công ơn dạy dỗ của thầy cô ở trường…”. Trong khi đó, cô Trịnh Thị Nhung (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ: “Yến rất có ý thức bảo vệ môi trường. Đang chơi trong sân mà thấy rác là em nhặt bỏ vào thùng rác. Các học sinh khác thấy vậy cũng làm theo”.
Với thành tích gần như toàn diện trong học tập, chúng tôi hỏi Yến học có cực không? Em hồn nhiên nói: “Thưa cô, em thấy bình thường. Các môn học chỉ cần học trên lớp là nắm được nội dung bài. Mỗi khi giải được bài toán khó hoặc làm các sản phẩm lập trình hay, em thấy rất vui. Em thích nhất là xem phim hoạt hình, đọc các sách tìm hiểu thế giới và cuộc sống…”.
Đan Phượng
Bình luận (0)