Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần tạo lòng tin nơi phụ huynh!

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa rồi đi ăn sáng ở một quán bún, tôi tình cờ nghe một phụ huynh gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm của con gái (em này đang phụ bán hàng với mẹ): “Tôi là mẹ của em Thúy. Hôm nay tôi không đi họp cho con tôi được. Vì tôi đang bận đi Phan Thiết chưa về…! Tôi xin phép cô nghỉ họp”. Tắt máy xong, vị phụ huynh quay sang nói với con: “Xong rồi đấy. Đi họp cũng được, không cũng được, vì chỉ để nghe thông báo đóng tiền”. Tôi thấy con gái chị có vẻ không vui. Và cả tôi nữa, cũng chẳng vui chút nào! Không chỉ do phụ huynh đã nói dối trước mặt con, mà tôi không vui vì còn nghĩ đến “căn bệnh trầm kha” ăn sâu vào tiềm thức của phụ huynh: Hễ nhắc đến họp cha mẹ học sinh là họ nghĩ đến việc đóng tiền, đến tiêu cực. Từ đó mà đâm ra né tránh và ghét các cuộc họp, ghét luôn giáo viên, ghét cả nhà trường… Mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh vì thế tự bấy lâu nay mất trong sáng trong cái nhìn của một số phụ huynh, qua đó làm mất đi hiệu quả của việc giáo dục học sinh. Dù sao cũng phải thừa nhận rằng những cuộc họp huynh là rất cần thiết, không thể thiếu trong hoạt động giáo dục ở nhà trường. Nhưng vì nhiều lý do, mà chủ yếu từ phía nhà trường về nội dung, cách thức tổ chức đã làm giảm sút tầm quan trọng của nó. Vì thế mà nhiều cha mẹ học sinh nghĩ rằng đi họp hoặc không cũng được.

Là “người trong cuộc” của hoạt động này nhiều năm, tôi thấy có không ít phụ huynh rất nhiệt tình, hăng hái với hoạt động trường, lớp. Nhiều phụ huynh vui vẻ trao nhiều suất học bổng với số tiền mấy chục triệu đồng. Chẳng hạn, một vị phụ huynh có con học một trường THPT ở quận Tân Phú (TP.HCM) đã tài trợ cho nhà trường trên 100 triệu đồng để “làm đẹp” những bức tường cho trường. Với một số phụ huynh, hễ nhắc đến việc ủng hộ nhằm phục vụ cho lợi ích học tập chính đáng của con em họ là họ chi tiền không thấy tiếc. Thế tại sao lại có nhiều tình cảnh thảm hại như người mẹ nói trên? Theo chúng tôi, không phải vì phụ huynh keo kiệt, túng thiếu tiền. Mà vì từ bấy lâu nay họ mất lòng tin vào sự rõ ràng, sự minh bạch trong thu chi ở nhà trường, của ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì thế, để lôi kéo họ về với nhà trường, tạo được sợi dây kết nối vững chắc trong việc giáo dục học sinh, ủng hộ, hợp tác với nhà trường, nhà trường cần tạo dựng một lòng tin nơi họ.

Ngc Tun

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)