Tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bớt nói thành tích mà hãy nói đến yếu kém để khắc phục”.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: M.Tâm
Trong khi đó, mới đây Bộ GD-ĐT ban hành một thông tư mơ hồ gây tranh cãi, khi yêu cầu cả giáo viên và học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, nhưng lại không giải thích, quy định rõ ràng từng hành vi mà chỉ nói chung chung, cũng như không đưa ra chế tài cụ thể đối với quy định này. Nhiều ý kiến của các nhà giáo cho rằng, thời gian qua có rất nhiều tiêu cực được phát hiện nhờ mạng xã hội. Chẳng hạn như gian lận thi cử năm 2018 cũng bắt nguồn từ thông tin trên mạng xã hội, hay những clip phản ánh bạo lực học đường… Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) chia sẻ: “Khi nghe một lời khen chỉ nghe 50%. Khi nghe một lời phê bình cần nghe hết 100%, để soi lại chính mình và hoàn thiện bản thân. Khi nghe lời chê chớ vội buồn mà cần bình tĩnh, sáng suốt”.
Những nỗ lực của ngành giáo dục trong chục năm nay, nói không với thành tích, nói không với tiêu cực, mà tại sao “càng chống, càng lầy, càng băn khoăn”? Sau vụ việc gian lận chấm thi tại nhiều địa phương gây hậu quả nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này trong kỳ thi năm 2019, bao gồm từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi. Cũng như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ ký văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trong cả nước về việc phối hợp, chỉ đạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương an toàn, trung thực, khách quan.
Cá nhân tôi không lạc quan với nhận định trên. Bởi chính từ những bất cập trong quy định của Bộ GD-ĐT đã tạo lỗ hổng lớn đến mức “con voi cũng chui lọt lỗ kim”. Đơn cử việc gộp 2 kỳ thi vào 1, lấy 70% điểm thi và 30% điểm học bạ (năm trước là 50-50%) để xét tốt nghiệp, vô hình trung đặt nhà trường vào thế tiến thoái lưỡng nan khi đánh giá học sinh. Hậu quả là “vàng thau lẫn lộn” khi điểm học bạ phổ thông cao ngất ngưởng. Lỗi này không phải của giáo viên và học sinh, lỗi này không phải của Ban Giám hiệu nhà trường, mà lỗi từ định hướng giáo dục đã kéo cả đoàn tàu cứ đi mà chẳng tìm được đích đến. Năm nay, các trường ĐH trên cả nước đều đã công bố đề án tuyển sinh chính thức. Hiện có hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường ĐH áp dụng, đặc biệt là các trường lớn, để không hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia. Đó là “cái tát” chan chát vào sáng kiến “2 trong 1” của Bộ GD-ĐT, để tái khẳng định quyền hạn tuyển sinh của các trường ĐH. Thay vì mỗi năm mỗi đổi quy chế thi, tại sao cán bộ ngành giáo dục không xách vali đi học hỏi cách tổ chức thi chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEIC, TOEFL, MOS… được đánh giá là vô cùng nghiêm túc và tuyệt đối trung thực. Khi niềm tin đã mất thì dù có nói hay, nói tốt cũng chỉ là sáo rỗng. Quy luật “hữu xạ tự nhiên hương” phải lấy chữ tín, lấy chất lượng thực chất làm đầu, để những việc làm tốt được lan tỏa, được xã hội công nhận, chứ không bắt con người lệ thuộc vào con chữ của những quy định hình thức.
Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM)
Bình luận (0)