Đó là em học sinh có dáng người nhỏ nhất lớp nhưng lại ngồi một mình một bàn ở cuối lớp, trong lúc các bàn khác đều có hai học sinh ngồi. Ngồi một mình cũng được, ngồi cuối lớp cũng chẳng sao. Cái không bình thường và nhìn rất chướng mắt là lúc nào cũng thấy học sinh này bắc cái chân phải lên ghế kiểu đầu gối quá tai, nhất là khi cái đầu em luôn cúi xuống mặt bàn để ghi chép những điều thầy cô giảng vào vở. Nói chướng mắt thôi chứ tôi không bực, không ghét bỏ gì em bởi đi dạy nhiều năm với đủ các loại học sinh, tôi đã gần như miễn dịch với những điều không bình thường từ phía người học.
Nghĩ nếu cứ thế này mãi đời em sẽ khổ vì cái thói quen gây chướng mắt mọi người ấy, tôi tìm cách tạo ra cơ hội để sửa sai cho em. Cơ hội rồi cũng đến. Khi nói về tính cách các nhân vật văn học nói riêng và tính cách con người nói chung trong cuộc sống, tôi đã dẫn chứng và phân tích để học sinh trong lớp thấy là nhiều khi chỉ qua một biểu hiện rất nhỏ của một người, chúng ta cũng có thể hiểu được toàn bộ tính cách của người đó. Chẳng hạn khi xem phim trên ti vi, nếu các em thấy có một nhân vật nhà quê ít học, thiếu hiểu biết về phép lịch sự tối thiểu thì khi hành động đạo diễn thường để họ ngồi gác chân lên ghế ngay cả khi đang ngồi trong một phòng khách sang trọng với bộ salon rất đẹp. Vừa nghe đến đó, tôi để ý thấy em học sinh ngồi cuối lớp đã hạ ngay cái chân phải đang bắc lên ghế xuống. Đồng thời cả lớp cũng ngoái lại nhìn xuống em này. Một chút bối rối đến với em nhưng tôi làm bộ tỉnh bơ như không thấy gì, nói tiếp: Vì thế trong cuộc sống, chúng ta nên cố gắng rèn luyện để tạo nên những thói quen đẹp mắt, từ đó sẽ có một tính cách đẹp.
Chuông báo hết tiết. Cả lớp đứng dậy chào thầy rồi túa ra hành lang. Tôi cũng xách ba lô ra khỏi lớp. Ở phía dưới em học sinh nhỏ con không ra chơi mà vẫn ngồi nguyên chỗ cũ, đầu em vẫn cúi xuống tập vở đang để mở. Tôi thấy mừng và nhẹ cả người vì đã không có cái chân nào bắt lên ghế.
Nguyễn Văn Thái
(Trường THCS-THPT Bạch Đằng,
Q.12, TP.HCM )
Bình luận (0)