Trộm vặt là hành vi có thể gặp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên khiến phụ huynh lo lắng, lúng túng khi giải quyết hậu quả, thậm chí có trường hợp quy chụp con là “hư hỏng” và trách phạt nặng nề. Theo khuyến cáo của chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của tình trạng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, nếu không ứng xử phù hợp sẽ không giải quyết được vấn đề cốt lõi.
Hóa giải những vấn đề đang gặp phải có thể giúp trẻ tránh tái phạm hành vi trộm vặt (ảnh minh họa)
Những tình huống… đau đầu
Cách đây mấy ngày, một giáo viên mầm non (ngụ quận 12) bị gia đình chồng phàn nàn rằng con trai chị đã lấy trộm tiền của người chị họ khi đến chơi nhà. Số tiền bị mất chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, nhưng điều đáng nói ở đây không phải lần đầu tiên. Quá tức giận vì bị con trai làm cho mất mặt, cô giáo vừa bắt con quỳ vừa đánh và thét lên trong đau khổ: “Mẹ có dạy con làm như vậy không? Mẹ có để cho con thiếu thứ gì không? Từ khi cha mẹ thôi nhau mẹ còn chăm lo cho con nhiều hơn trước mà”. Có thể nói, nỗi khổ của người mẹ này cũng là nỗi trăn trở của những phụ huynh không biết làm gì hơn nên đã đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 nhờ chuyên gia tâm lý giúp đỡ. Trong đó có trường hợp của em Nguyễn Văn Tuấn (12 tuổi), đã lấy trộm tiền quỹ lớp để mua một chiếc ba lô mới mà em yêu thích. Tìm hiểu hoàn cảnh cho thấy cha mẹ Tuấn mới ly hôn, hai mẹ con đã chuyển về ở chung với ông bà ngoại.
Bên cạnh hành vi lấy trộm tiền, trẻ cũng có thể lấy đồ của bạn hoặc khi có cơ hội ở tiệm tạp hóa. Đó là trường hợp của bé Trần Thị Linh (5 tuổi), sau giờ tan học đã đưa về nhà một món đồ chơi từ trường mẫu giáo. Sau khi gạn hỏi, mẹ mới bật ngửa khi con thú nhận rằng: “Con lấy đồ trong cặp của một bạn mà con rất thích”. Với thói quen lấy đồ trong tiệm bán đồ chơi hoặc tiệm tạp hóa khi người bán hàng không để ý, em Phạm Hoài Tâm (15 tuổi) có cả ngăn kéo đồ chơi và các vật dụng lặt vặt nhưng điều lạ là chẳng khi nào em dùng đến. Mẹ Tâm cho biết chồng chị đã dứt áo ra đi khi con trai còn rất nhỏ, nên em vốn thiếu thốn tình thương của người cha. Cậu bé thú nhận với mẹ nguyên nhân lấy cắp vì “không thể không lấy khi có cơ hội”, mặc dù biết đó là hành động không tốt, không đúng, đôi lúc khiến em thấy xấu hổ với những việc mình đã làm. Khi sự thật bị phơi bày và được mẹ khuyên bảo, Tâm đã hứa sửa đổi nhưng thời gian sau đó lại “chứng nào tật ấy”.
Định hướng hành vi tích cực
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1) lưu ý, có nhiều nguyên do và động lực khiến trẻ trộm vặt, do đó trước khi trách phạt, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ vì sao trẻ vi phạm điều cấm. Tùy vào lứa tuổi và hoàn cảnh gia đình sẽ dẫn đến những hành vi, mục tiêu khác nhau. Trong trường hợp trẻ biểu hiện hành vi nhằm thể hiện sự đau khổ, hoặc tìm sự chú ý của những người xung quanh, cha mẹ nên đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý, nhằm giúp em hóa giải những vấn đề đang gặp phải trong cuộc sống, trong gia đình hoặc việc học hành. |
Theo lý giải của bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1), nỗi dằn vặt của em Phạm Hoài Tâm được gọi là tình trạng xung động ăn cắp (kleptomania), cưỡng bức trẻ lấy trộm những món đồ mà trẻ không cần dùng. Người mắc chứng này thường bị dằn vặt, đau khổ, muốn lấp đầy sự thiếu vắng tình cảm, nên hành vi vi phạm điều cấm lại trở thành yếu tố kích thích trẻ “hành động”, tựa như cảm giác mạnh cần được chinh phục khiến “bệnh nhân” lệ thuộc và không cưỡng lại được. Đây cũng là một trong những phương cách để Tâm chống lại tình trạng trầm cảm nặng nề đeo đẳng trong lòng từ lâu. Trong trường hợp này, mẹ nên cho con gặp chuyên gia tâm lý, giúp em hóa giải nỗi niềm mà em đang phải đối diện (có thể có liên quan đến việc bị cha bỏ rơi). Tương tự, hành vi lấy trộm tiền quỹ lớp của em Nguyễn Văn Tuấn và một trường hợp ở quận 12 cũng có thể là hành vi phản ứng trước những xáo trộn trong gia đình. Nhất là khi gia đình trong tình trạng căng thẳng, cha mẹ ít thời gian chăm lo cho con khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi. Chưa kể việc phải rời xa cha khiến trẻ bị hụt hẫng, mất phương hướng nên phản ứng bằng hành vi vi phạm để gây sự chú ý của người khác, để người khác biết “nỗi khổ” của mình.
Trong trường hợp này, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh cho rằng phụ huynh nên khuyên con trả lại tiền đã lấy, đồng thời cần tìm hiểu nhu cầu thực sự của con để giúp trẻ tháo gỡ vướng mắc đang có. Vì có thể con thật sự cần chiếc ba lô mới, hoặc cần đáp ứng nhu cầu cá nhân để khẳng định model với chúng bạn cùng trang lứa. Hoặc cũng có thể đó là sự nổi loạn của tuổi vị thành niên, muốn thử thách những giới hạn, thậm chí cả những điều đang bị cấm cản để khẳng định “giá trị” bản thân trong hoàn cảnh gia đình bất ổn. Ở tuổi vị thành niên, trẻ cũng thường chống đối kiểu sống và uy quyền của người lớn, khi uy quyền và gương sống bị phá vỡ do ly hôn, trẻ càng có xu hướng chống đối nhiều hơn bằng các hành vi nổi loạn. Riêng đối với trường hợp lấy đồ của người trẻ yêu thích, đây là động thái muốn lấy món đồ như là cách để sở hữu một phần của người trẻ yêu mến. Đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ có thể lấy trộm sợi dây chuyền của mẹ, bật lửa của cha, hoặc vật dụng nào đó của anh hoặc chị mà trẻ yêu quý. Để ngăn ngừa tình trạng này, phụ huynh nên khuyên con trả lại đồ đã lấy và xin lỗi “chủ nhân”, đồng thời cần giải thích cho con hiểu giới hạn của việc làm này là không tốt, cần tránh để không làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ cũng như tổn hại vật chất đối với những người mà ta mến yêu.
Vũ Phương
Bình luận (0)