Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một ngày trải nghiệm thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi, đó là ngày trường tôi tổ chức cho học sinh tham quan ngoại khóa “Về nguồn” ở Xẻo Quýt (một căn cứ cách mạng của tỉnh Đồng Tháp thời kháng chiến chống Mỹ). Trước chuyến đi, Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên bộ môn soạn kiến thức liên quan để lồng ghép nội dung chuyến tham quan (bằng những câu chuyện kể, câu hỏi ôn tập, câu đố vui) và chuẩn bị dụng cụ thí nghiệm, trò chơi dân gian, phần thưởng… Còn học sinh được dặn dò chuẩn bị nón, máy ảnh, sổ tay ghi chép, bài hát… Các em được biên chế thành nhiều tổ để thi đua với nhau suốt hành trình. Đến ngày lên đường, em nào cũng rộn ràng, náo nức chào đón tiết học trải nghiệm thực tế ngoài trời. Giáo viên cũng vô cùng hồi hộp và không kém phần lo lắng với mong muốn đem đến cho học sinh nhiều điều thú vị, bổ ích qua chuyến đi. Trên đường đi, học sinh được thu vào tầm mắt cảnh đẹp hai bên đường với cây cối xanh tươi, ruộng  đồng  bát ngát, ngắm sông ngòi, kênh rạch, được ôn tập kiến thức về đồng bằng sông Cửu Long: giao thông, khí hậu, kinh tế, sinh hoạt, văn hóa… Đến nơi, các em được khám phá khu di tích Xẻo Quýt, một khu rừng thiên nhiên đẹp tuyệt vời với không gian thoáng mát, một môi trường sinh thái đa dạng với các loài động vật, thảm thực vật phong phú. Giáo viên môn sinh, địa đưa ra những câu đố vui để giúp các em hiểu thêm về vùng đất này. Sau đó, các em được giáo viên môn sử kể lại chiến công “Xẻo Quýt” của ông cha thời chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1960 đến 1975. Lặn lội sâu vào rừng, thăm khu di tích, học sinh bắt gặp những hình ảnh của một chiến khu xưa với hầm tránh bom chữ A, hầm chiến đấu chữ Z hay hầm trú ẩn bí mật chữ L, những lán trại chỉ huy, nhà bếp, phòng hội họp, những hố bom… Qua đó, các em hiểu được sinh hoạt gian khổ trong kháng chiến và cảm nhận được những hiểm nguy mà ông cha đã trải qua trong cuộc chiến đấu giữ nước. Các em được giáo viên môn hóa tổ chức cho làm thí nghiệm tại chỗ để đo độ phèn pH của nước sông nơi đây. Từ đó các em rút ra kết luận những thực vật nào có thể sinh sống được vùng đất này và muốn trồng cây phải cải tạo đất ra sao? Khi nghỉ giải lao, ở vòng tròn sinh hoạt, các em thi nhau đọc những câu thơ, ca dao về quê hương đất nước – mà  cô giáo dạy văn yêu cầu sưu tầm trước đó – để lấy điểm về cho đội mình. Về nhà, các em còn viết lại cảm nhận sâu sắc nhất qua chuyến đi và trình bày trước lớp. Ngoài ra, các em còn được rèn luyện nhiều kỹ năng sống khác, như: qua trò chơi dân gian, rèn kỹ năng sinh hoạt đội nhóm (teambuilding), rồi kỹ năng khi đi vào rừng, dùng gậy đập xua rắn, phòng tránh bị vắt cắn… Thích nhất là trải nghiệm cảm giác chèo xuồng, các em ngồi trên những chiếc thuyền ba lá, đưa vào các con rạch nhỏ để tham quan toàn bộ di tích. Ngoài ra, các em cũng thi nhau chụp nhiều bức ảnh đẹp về khu di tích Xẻo Quýt như: cánh rừng, dòng sông, ruộng đồng, cầu tre lắc lẻo, chiếc thuyền lướt sóng… Về  nhà các em chọn bức ảnh đẹp nhất gửi nhà trường tham gia cuộc thi ảnh đẹp.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Một chuyến đi học được học bao điều lý thú, học sinh được thấy tận mắt, nghe tận tai, cùng thực hành trải nghiệm, cùng vui chơi giải trí, cùng ca hát vui đùa giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trời nước bao la, cây cỏ xanh rờn. Một ngày trải nghiệm thực tế đem đến cho học sinh nhiều điều bổ ích, niềm vui và sự hứng thú thực sự trong học tập. Sau chuyến đi, học sinh tuy mệt nhưng rất vui. Em nào được hỏi cũng phát biểu: “Ước gì nhà trường tổ chức cho chúng em thêm nhiều chuyến đi như vậy nữa!”. Là giáo viên, chúng tôi cũng rất hạnh phúc khi tổ chức cho học sinh những tiết học trải nghiệm bổ ích như thế.

Trn Th Bình An

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)