UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nghiên cứu bỏ xếp hạng trong lớp nhằm tránh gây áp lực tâm lý cho học sinh, giảm áp lực thi đua cho giáo viên. Đề xuất này ngay lập tức nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người.
Theo các nhà quản lý giáo dục, mỗi học sinh đều có một năng lực phát triển riêng. Vì vậy, việc xếp hạng vô tình trở thành áp lực cho các em. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên tham gia ngày hội khoa học do trường tổ chức
Theo các nhà quản lý giáo dục, xếp hạng thi đua vốn là một phương pháp giáo dục tốt, được từng trường thực hiện nhằm tạo ra động lực, khích lệ học sinh phấn đấu, rèn luyện trong học tập. Tuy nhiên, hiện tại việc xếp hạng vô tình lại trở thành áp lực, thậm chí là “gánh nặng” với nhiều học sinh.
Có cô con gái “rất cá tính” năm nay vào lớp 1, chị Nguyễn Hoa (Q.7, TP.HCM) bày tỏ: “Nhiều lúc tôi thực sự thấy buồn và đơn độc khi con mình bị mọi người nhận xét là “bé rất cá tính”, nói thẳng ra là hư. Thậm chí, ở trên lớp cháu cũng bị xếp vào “dạng khó bảo”. Người lớn thường cho rằng một đứa trẻ ngoan là biết nghe lời. Là mẹ của một học sinh cá tính, tôi lại nghĩ rằng ngoan ở đây là trẻ được phát triển đúng tính cách của mình, biết lắng nghe và từ từ điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn đạo đức. Trẻ biết được điều mình thích, làm những điều mình thích, miễn không ảnh hưởng đến người khác. Ngoan hay hư không hẳn là một chuẩn mực để đưa vào đánh giá trẻ. Do đó, tôi thật sự rất lo khi sắp tới đây cháu vào lớp 1”.
Từ câu chuyện của con gái mình, chị Hoa cho hay việc bỏ xếp hạng học sinh trong lớp là rất đúng. “Trong bất cứ trường hợp nào thì người lớn cũng không nên so sánh trẻ này với trẻ khác, và trong giáo dục thì điều này lại càng đúng. Mỗi đứa trẻ sẽ có một thế mạnh riêng, một tố chất riêng để phát triển. Nếu gộp để đánh giá trẻ theo một tiêu chuẩn nhất định thì sẽ rất thiệt thòi cho các em”, chị Hoa nhìn nhận.
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 1, cô T.H (giáo viên tại một trường tiểu học ở Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ cứ mỗi năm học, vào thời điểm kết thúc học kỳ hay kết thúc năm học, cô lại “đau đầu” khi phụ huynh hỏi về chuyện xếp hạng trong lớp của con em họ. “Bậc tiểu học là không có xếp hạng học sinh vì chỉ dựa trên tiêu chí hoàn thành chương trình. Tuy nhiên rất nhiều phụ huynh có tâm lý muốn biết con em mình đang đứng thứ mấy trong lớp để còn điều chỉnh, kèm cặp. Những lúc đó tôi chỉ biết giải thích rằng, ở bậc học này các em còn rất nhỏ, đang trong giai đoạn định hình bản thân. Việc đánh giá, quan tâm các em đứng hạng thứ mấy trong lớp là điều không cần thiết. Điều quan trọng là để các em được phát triển theo đúng năng lực của riêng mình”, cô T.H chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Bảo Quốc (Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng việc xếp hạng thi đua học sinh thường là cách làm của từng trường, trước tiên nhằm mục đích phân loại học sinh để giáo viên chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn có sự kèm cặp, can thiệp với những em yếu, kém. Song song đó, việc xếp hạng còn là để khuyến khích, động viên những học sinh có sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện. “Ngày trước, có thứ hạng cao là tạo động lực cho học sinh, các em có sự hãnh diện rất lớn. Thế nhưng, bây giờ việc xếp hạng lại trở thành áp lực cho không chỉ học sinh mà còn là phụ huynh, giáo viên. Rất nhiều trường hợp, học sinh đã bị quá tải khi lo giữ thứ hạng trong lớp, thậm chí ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em”, thầy Quốc thừa nhận.
Theo thầy Quốc, hiện tại việc đánh giá học sinh là dựa theo năng lực, giáo dục chỉ hỗ trợ ở một mức độ nào đó để các em phát triển những năng lực phù hợp. “Thầy cô không nên có sự so sánh học sinh này với học sinh khác. Việc đánh giá học sinh phải nhìn vào cả quá trình, ở từng khả năng chứ không phải ở một vài mặt. Xếp hạng học sinh chỉ là sự nhìn nhận ở một thời điểm, không phải là thước đo để đánh giá các em”, thầy Quốc nhận định.
Có nhiều hình thức khen thưởng học sinh Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), khi học sinh trong trường nhặt được đồ rơi mang đến phòng Ban Giám hiệu gửi trả lại cho người đánh rơi sẽ được thầy cô tặng một huy hiệu “bông hoa giấy” có nhiều màu sắc và được ghi vào sổ khen thưởng của trường, sau đó các em được vinh danh vào sáng thứ hai đầu tuần. Huy hiệu này bé như chiếc cúc áo nhưng lại là niềm hãnh diện, tự hào của mỗi học sinh, có giá trị tương đương như một “tấm giấy khen” cho việc tốt của các em. Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân. Q.1, TP.HCM) cũng cho biết thầy thường xuyên dùng sách để làm phần thưởng khích lệ cho sự nỗ lực, cố gắng của học sinh trong suốt năm học. |
Nhìn nhận về việc xếp hạng học sinh trong lớp, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) cho rằng các con số không hề có lỗi, mà lỗi nằm ở phụ huynh tạo quá nhiều áp lực cho con em mình. “Việc đưa ra những con số cụ thể chỉ đơn giản là sự đánh giá ở một mức nào đó không mang tính cảm tính. Thế nhưng, chính việc phụ huynh cứ căn cứ vào những con số đó để bắt các em phải nỗ lực, phải vươn lên đã khiến con số đó trở nên áp lực hơn bao giờ hết. Nếu bỏ xếp hạng thì sẽ giảm được áp lực học tập cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên, nhà trường”, thầy Phú nói.
Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM) cho biết ở Trường THPT Trần Khai Nguyên không có in thứ hạng trong lớp cho học sinh mà chỉ duy trì việc trao danh hiệu cho những học sinh khá, giỏi để ghi nhận sự nỗ lực, phấn đấu của các em cũng như khuyến khích, động viên các em. “Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục là hướng đến việc phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, việc đánh giá học sinh không còn ở thứ hạng điểm số nữa mà nằm ở nhiều yếu tố khác. Phụ huynh cũng đừng nên lấy điểm số để làm thước đo đánh giá con em mình, so sánh con em mình với bạn này, bạn kia mà tạo áp lực cho các em”, thầy Cường chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)