Vấn đề xếp hạng trong lớp, theo nhiều học sinh, tốt hay xấu, áp lực hay không áp lực là phụ thuộc vào sự nhìn nhận, suy nghĩ ở mỗi học sinh cũng như quan điểm của phụ huynh.
Thầy và trò Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) trong một hoạt động thí nghiệm tại trường (ảnh minh họa). Ảnh: L.Quân
+ Em Trần Đoàn Khánh Vân (lớp 8A16 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1, TP.HCM): Có mặt tốt và mặt xấu
Với bản thân, em thấy việc xếp hạng học sinh trong lớp luôn có hai mặt đi kèm. Mặt tốt ở đây là từ chỉ số xếp hạng, học sinh nhận ra mình đang đứng ở đâu để có sự cố gắng và phấn đấu hơn. Còn mặt xấu là từ kết quả xếp hạng đó, nhiều học sinh sẽ tự ti đồng thời gặp áp lực lớn từ phía cha mẹ. Cá nhân em, năm học lớp 7 đứng hạng nhất lớp nhưng đến năm lớp 8 thì tuột xuống còn hạng tư; lý do là năm học này em tập trung “đầu tư” vào các môn tự nhiên và môn chuyên. Từ đó các môn học khác không có sự trải đều dẫn đến kết quả học tập không được cao. Với em thì kết quả này chỉ khiến bản thân hơi buồn một chút thôi. Còn với các bạn, nhiều bạn khi mất vị trí hạng nhất đã khóc lóc, rồi trách móc bản thân, sau đó là “cắm đầu cắm cổ” vào học không ngừng. Em nghĩ rằng chỉ số xếp hạng không hề xấu. Tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực là phụ thuộc vào sự nhìn nhận, suy nghĩ của bản thân mỗi học sinh và phụ huynh. Nhất là các bậc cha mẹ, không nên chỉ nhìn vào điểm số để đánh giá con em mình mà cần nhìn nhận một cách chủ quan, có sự tôn trọng hướng đi của con em mình.
+ Em N.T.Đ (học lớp 7 Trường THCS Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM): Cần bỏ việc xếp hạng
Mỗi lần nhà trường họp phụ huynh thông báo kết quả học tập là lần nào em cũng bị mẹ la, đánh. Em đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả học tập không được như ý mẹ mong đợi và thường thua kém bạn bè. Có những khi kết quả kém quá, em còn bị mẹ dọa sẽ cho thôi học, nghỉ ở nhà đi… bán vé số.
Em nghĩ rằng việc thông báo thứ hạng trong lớp cũng tốt, sẽ là niềm tự hào với những bạn có thứ hạng cao (cả cho bản thân các bạn và phụ huynh). Thế nhưng, với những bạn có thứ hạng không cao, không chỉ xấu hổ với bạn bè mà còn phải chịu áp lực lớn từ phía cha mẹ. Như bản thân em, không phải là em không chịu cố gắng, nhưng dù có cố gắng đến thế nào thì em cũng không thể nào đứng thứ nhất, nhì trong lớp như mẹ mong đợi được. Do đó, em nghĩ, nếu được thì nên bỏ xếp hạng, hoặc chỉ nên thông báo thứ hạng của các bạn cao nhất lớp thôi.
+ Trịnh Quốc Huy (học lớp 11 tích hợp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5, TP.HCM): Không cần thiết xếp hạng học sinh
Ở trường em không có chuyện xếp hạng học sinh trong lớp. Chỉ khi nào in phiếu điểm mới thông báo thứ hạng của 3 bạn đứng nhất, nhì và ba trong lớp. Còn các thành viên khác không được biết về thứ hạng của mình. Nếu muốn biết chỉ có cách vào phần mềm cập nhật điểm số của Sở GD-ĐT.
Với bản thân, em không có nhu cầu biết về thứ hạng của mình trong lớp. Bởi với em, thứ hạng cao hay thấp chỉ đơn giản là sự tổng kết điểm số trong một giai đoạn nào đó, nó không phản ánh được tất cả năng lực cũng như sự cố gắng của mỗi cá nhân. Dù bản thân đứng thứ hạng nào trong lớp, miễn là mình cảm thấy kết quả học tập vẫn tốt, không quá tồi tệ. Nhất là kết quả đó ổn định để bản thân phát triển theo mục đích của mình. Không phải khi nào bản thân học giỏi toàn diện các môn mới là người hạnh phúc, thành công. Mỗi cá nhân sẽ có những năng lực riêng đáng tự hào chứ không phải chỉ là thứ hạng nhất, nhì, ba trong lớp. Do đó, em nghĩ rằng việc xếp hạng trong lớp là không cần thiết. Dù xét về mặt nào đó, thứ hạng vẫn sẽ mang lại tính tích cực, đôi khi cũng là động lực để bản thân cố gắng. Thế nhưng, nó cũng sẽ tác động đến tâm lý và vô tình lại tạo ra áp lực cho bản thân.
+ Hoàng Phi (học lớp 11A1 Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM): Chỉ nên coi là kênh tham khảo
Tại trường em, thông thường sau mỗi nửa học kỳ, trong phiếu điểm tổng kết của trường gửi cho gia đình có ghi kết quả xếp hạng về học lực và hạnh kiểm của mỗi cá nhân. Nhiều bạn trong lớp rất háo hức với chỉ số xếp hạng này. Còn bản thân em thì không thật sự đặt nặng vấn đề xếp hạng. Tuy nhiên, ba mẹ em thì lại rất quan tâm đến vấn đề này. Sau mỗi nửa học kỳ, vấn đề xếp hạng thường là câu chuyện “đau đầu” của gia đình em trong mỗi bữa ăn khi mà kết quả học tập của em không được như ý muốn ba mẹ. Rất nhiều lần em bị ba mẹ rầy la, trách mắng, ép học thêm các kiểu vì chỉ số xếp hạng thấp.
Em nghĩ rằng không chỉ ba mẹ em mà hầu như tất cả các bậc phụ huynh đều có chung quan điểm, sự nhìn nhận như thế. Phụ huynh thường chỉ nhìn vào điểm số để đánh giá năng lực, khả năng học tập của con em mình mà đôi khi không nghĩ đến cảm xúc cũng như mong muốn, nguyện vọng của con.
Theo em, kết quả điểm số không phản ánh được cả quá trình học tập, nỗ lực, cố gắng của học sinh mà chỉ phản ánh được một phần nào đó. Dù có hay không có chỉ số xếp hạng thì chỉ cần bản thân mỗi học sinh tự ý thức được việc học của mình, nỗ lực theo mục tiêu đó. Phụ huynh cũng như các bạn học sinh không nên quá đặt nặng chuyện điểm số, thứ hạng mà chỉ coi đó là kênh tham khảo để cố gắng hơn, để động viên con em mình.
Yến Hoa (ghi)
Bình luận (0)