Cô Lưu Thị Ánh và các em học sinh trong một tiết học địa lý
Từ quả bóng cũ, chai nhựa, giấy báo… bị bỏ đi, những học sinh học môn địa lý của cô Lưu Thị Ánh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM) đã tận dụng lại để thực hiện các mô hình về trái đất, vũ trụ, các hành tinh… giúp cho tiết học địa lý trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Từ những mô hình này, học sinh không chỉ dễ nhớ, dễ thuộc bài, dễ hình dung cấu trúc tổng thể của những hành tinh trong hệ mặt trời mà còn giúp các em ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, biết tái chế lại những đồ nhựa đã bỏ đi để phục vụ cho cuộc sống. Theo cô Ánh, để chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thời gian qua cô đã có nhiều đổi mới trong giảng dạy nhằm giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập. Để có được những tiết học như vậy, cô luôn chuẩn bị các chủ đề mới mẻ để giao cho học sinh thực hiện, sau đó báo cáo kết quả. “Các em có thể báo cáo bằng mô hình, bài thuyết trình hay hát, vè, làm thơ, diễn kịch…, miễn sao nội dung những tiết mục đó liên quan đến chủ đề bài học”, cô Ánh cho biết.
Cô Võ Thị Hồng Lan (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến) đánh giá cao cách dạy học này. Theo cô Lan, dưới sự hướng dẫn và giảng dạy của cô Ánh, các tiết học đều diễn ra sôi nổi và hào hứng. Thông qua các hoạt động tích cực này, học sinh thể hiện được sự tư duy, sáng tạo và năng khiếu của mình.
Hồ Trinh
Bình luận (0)