Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.Thơ
Ngày 26-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020, và xây dựng Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.
Thực hiện Quyết định số 1434/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2016-2020, Bộ NN-PTNT cùng UBND các tỉnh, thành và các doanh nghiệp (DN) trên cả nước đã triển khai và đạt vượt chỉ tiêu nhiều nội dung chương trình; trong đó tổng nguồn lực bố trí và huy động: 14.470 tỷ đồng (Bộ NN-PTNT quản lý 5.200 tỷ đồng, còn lại do UBND các tỉnh, thành quản lý). Thực hiện đầu tư hoàn thành 148 dự án gồm các loại hình: Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản; Tăng cường năng lực quản lý ngành.
Từ năm 2016-2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân 6%/năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, dự kiến năm 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra (đạt từ 6,5 đến 7 triệu tấn/năm). Giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỷ USD, kế hoạch năm 2020 ước 10 tỷ USD. Đã chủ động sản xuất giống sạch bệnh trong nước đối với các đối tượng giống nuôi thủy sản chủ lực. Các vùng nuôi tập trung thâm canh những đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGAP, hoặc chứng nhận tương đương (GlobalGAP…). Các tàu cá khai thác ngoài khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường. Bảo đảm hoạt động của lực lượng kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật về thủy sản.
Hội nghị làm rõ những khó khăn trong thực hiện chương trình như nguồn lực đầu tư mới đáp ứng khoảng 33% nhu cầu theo quy hoạch được duyệt. Công tác quản lý sau đầu tư chưa hiệu quả nên công trình nhanh xuống cấp. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình chưa sát với yêu cầu thực tế chuyên ngành nên nhiều công trình sau khi đầu tư không đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Các đại biểu nêu ý kiến, bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các tỉnh, thành cần chủ động kêu gọi nguồn lực hợp pháp và sự tham gia từ DN, nhà đầu tư, tư nhân tham gia đầu tư, kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng phát triển ngành thủy sản.
Cũng tại đây, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu: Kinh tế thủy sản đóng góp 30% GDP khối nông – lâm – ngư nghiệp. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 10 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 25-30%, sản lượng nuôi trồng khoảng 70-75%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD. Giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động. 100% cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, một số đại biểu kiến nghị, để đạt những mục tiêu trên, Nhà nước cần quan tâm, có chính sách giúp những hộ nuôi tôm, cá nhỏ lẻ phát triển; Sắp xếp, cân đối lại đội tàu cá các địa phương để đánh bắt thủy sản hợp lý, không để cạn kiệt nguồn thủy sản trên vùng biển Việt Nam.
Đan Thơ
Bình luận (0)