Trong mưa bão số 9, cả thôn 1 xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) ngôi làng gần 11 hộ bị xóa sổ. Với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, quân đội, hàng chục người dân đã được cứu sống.
Đồ họa: Quốc Anh
Nỗi đau xé lòng
14h ngày 29/10, sau gần nửa ngày theo chân đoàn cứu hộ của Quân khu V vượt qua hàng chục điểm sạt lở, nhóm phóng viên Tiền Phong có mặt tại thôn 4 xã Trà Mai, cách thôn 1 xã Trà Leng (nơi hàng chục người dân đang bị vùi lấp) khoảng 17km.
Lúc này tuyến đường vào Trà Leng vẫn còn ngổn ngang, tắc nghẽn. Hơn 250 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam) và Quân khu V tăng cường cùng phương tiện máy móc vẫn cật lực thông tuyến, để nhanh chóng tiếp cận hiện trường cứu hộ, cứu nạn.
Tiếng khóc đau đớn của trẻ nhỏ vang lên, khi chiếc xe tải lớn bê bết bùn lầy chở người dân thoát chết, trong đó có 5 người (3 trẻ nhỏ) bị thương rất nặng dừng ngay đầu thôn 4. Từ trên xe, người dân khiêng 5 nạn nhân với thương tật đầy mình, đau đớn gào thét, nước mắt xen lẫn máu và bùn đất đã khô cứng. Các y bác sĩ quân y lập tức tiếp ứng, chăm sóc các nạn nhân trong khi chờ xe cứu thương từ huyện Bắc Trà My ứng cứu.
Chị Hồ Thị Hà tay ôm đứa con gái Nguyễn Trần Sơ Ni (5 tuổi), tay kia nắm chặt đứa con gái đầu lòng 9 tuổi đang bị gãy xương đùi, sau hơn 1 ngày đã sưng tím tái. Cả hai gào thét đầy đau đớn trong sự xót thương của mọi người xung quanh. Phía đối diện, mẹ chị là bà Hồ Thị Hằng lúc tỉnh lúc mê, nằm bất động cũng đầy rẫy vết thương trên người.
Gia đình chị Hà có 4 người, hôm xảy ra sự việc chồng chị đi vào bãi vàng chưa kịp về. Sáng cùng ngày, chị gửi 2 con qua nhà ông bà ngoại nhờ trông. Tầm quá trưa, trong mưa bão số 9, chị nghe dân làng hò hét sạt lở. Chạy đến nhà mẹ thì cả làng đã bị xóa sổ, tan tành như sau trận bom. Tiếng khóc ré vang cả vùng núi rừng. Dân làng còn mấy chục người sống sót bê bết trong bùn đất.
Mưa xối xả, chị Hà như điên dại, băng qua những đổ nát, tìm về dấu vết ngôi nhà bố mẹ mình. Tiếng 2 đứa con gào thét kêu cứu, chị lấy hết sức lật tung đất đá, lật từng thanh gỗ kéo 2 con ra khỏi đổ nát. Các con chấn thương đầy mình, đẫm máu, chị kêu gào kêu dân làng ứng cứu. Mọi người xúm tay đưa hai đứa bé ra khỏi bãi sình lầy. Thương tích đầy mình, 2 đưa con chị chịu đau đớn hơn 1 ngày trời mới được dân làng cõng gánh ra đây.
Cứu được 2 con, chị Hà quay lại tiếp tục lật tìm bố mẹ. Người mẹ được cứu ngay sau đó. Thế nhưng bố chị khi tìm thấy đã tử vong, được dân làng gánh đưa đi chôn trong mưa gió bập bùng. “Cảnh tượng thật kinh khủng. Lúc đó tôi nghĩ rằng bố mẹ và con không ai còn sống”, chị Hà nói đứt quãng.
Ông Hồ Văn Côi ngồi bên con gái mà mắt đờ đẫn. Con ông hơn 10 tuổi, gặp nạn và được dân làng cứu sống khi cháu đang ở nhà một mình. “Dân làng sống sót ai cũng khiếp sợ. Giờ chỉ mong sao thi thể mọi người được tìm thấy. Người mất tích không còn hi vọng sống nữa đâu”, ông Côi nói.
Ông Phạm Phương (48 tuổi, trú thôn 10, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) theo xe đoàn cứu hộ lên Trà Leng khi hay tin sạt lở, vợ mất liên lạc. Vợ ông là bà Đỗ Thị Danh mở quán bán tạp hoá ở thôn 1 xã Trà Leng. Do bão số 9 nên bà Danh ở lại trông coi quán, ông phải về quê chống bão. Vợ chồng gọi cuộc điện thoại cuối vào trưa 28/10, trước khi bão số 9 đổ bộ. Sau đó ông nhiều lần liên lạc lại vợ thì không được. Ông cứ nghĩ do bão lũ, điện thoại mất sóng.
Vào đến Trà Mai, gặp dân làng đi ra, hỏi chuyện tung tích vợ ai cũng lắc đầu, ông ôm ngực, quỳ gối gào khóc khấn nguyện. “Bây giờ không biết làm thế nào nữa, vợ tôi vẫn chưa liên lạc được. Tôi chỉ cầu mong vợ và bà con trong đó tai qua nạn khỏi. Dù có chết thì tôi vẫn phải tìm được vợ mình”, ông Phương nghẹn ngào.
Đến chiều 29/10, vẫn còn 14 người dân thôn 1 chưa được tìm thấy. Trong đó có ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng và gia đình.
Có mặt tại hiện trường chỉ huy việc tìm kiếm, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ngậm ngùi: “Lũ ống ghê gớm và quá khủng khiếp tàn phá toàn bộ ngôi làng với 11 hộ gia đình. Mất mát là quá lớn đối với người dân và chính quyền địa phương. Chúng tôi hi vọng sớm tìm được người dân đang mất tích, sớm ổn định lại cuộc sống người dân”.
Trước khi làm Phó Chủ tịch tỉnh, ông Bửu từng là chủ tịch UBND huyện Nam Trà My với nhiều năm gắn bó với dân làng. Hơn ai hết, ông thấu hiểu mất mát và nỗi đau của bà con trong cơn bĩ cực.
Tổng lực tìm kiếm
Những người dân được cứu sống nhưng bị thương nặng, đến chiều qua đã được đưa về Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My chăm sóc, trong đó có một số người bị chấn thương sọ não phải chuyển xuống bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để cấp cứu, chữa trị .
Tại Trung tâm y tế huyện Bắc Trà My, bà Hồ Thị Hằng vẫn chưa hết bàng hoàng. “Lúc đó trời mưa to, tôi và chồng đang giữ hai đứa cháu trong nhà. Tôi nghe tiếng gì đó ầm ầm, rồi đất đá đổ vào tối tăm mặt mũi. Tôi chỉ kịp la lên tiếng cứu, may mắn được dân làng kéo ra khỏi đổ nát”, bà Hằng nói.
Ngay khi nhận thông tin vụ sạt lở, khuya 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Cũng ngay trong đêm, lực lượng công an, quân đội hành quân mở đường tiếp cận vùng sạt lở. Sáng 29/10, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã lên hiện trường, chỉ huy công tác cứu nạn.
“Khẩn trương huy động mọi lực lượng, tổng lực tìm mọi cách để nhanh nhất để có thể vào hiện trường để cứu nạn, đưa người dân ra khỏi nơi sạt lở. Có thể bằng đường thủy, đường bộ thậm chí dùng trực thăng để đưa người vào cứu nạn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu công tác cứu nạn phải được triển khai khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng.
Cuộc họp khẩn tại Sở chỉ huy tiền phương đặt tại Bắc Trà My, nhiều phương án được đưa ra. Các chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 885 do Trung tá Nguyễn Phước Trung, phó Trung đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy được lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Cùng với vật dụng quân tư trang, lương thực, thuốc men, nồi niêu chén bát được mang theo để sẵn sàng cho cuộc tìm kiếm dài ngày trong rừng.
Ông Hồ Quang Bửu cho biết: Có 3 phương án đưa ra gồm đường bộ, đường không và đường thủy. Tuy nhiên phương án chính là khắc phục sạt lở, mở đường để bộ đội hành quân.
Hiện trường kinh hoàng
Đến 15h chiều 29/10, lực lượng chức năng đã thông tuyến đường bộ, bắt đầu lội bộ để tiếp cận hiện trường sạt lở. Sạt lở đất nghiêm trọng khiến tuyến đường vào xã Trà Leng bị vùi lấp. Tình hình cấp thiết, quyết định hành quân bộ được đưa ra. Hàng chục cán bộ, chiến sĩ nối nhau men triền dốc vào hiện trường.
Nước từ khe suối đổ ra, đất từ núi sạt lở xuống khiến con đường ngập trong bùn lầy. Sâu trong thung lũng tiếng gầm rú của máy múc, máy ủi đang hết tốc lực thông tuyến. Càng tới gần Trà Leng, không khí trĩu nặng, tang thương càng bao trùm.
Trên đường, chúng tôi gặp từng nhóm người dân từ trong Trà Leng đi ra, trên khuôn mặt họ là đôi mắt đỏ hoe. Vụ sạt lở đất khiến 11 hộ dân thuộc thôn 1, xã Trà Leng bị vùi lấp, đã gây rúng động với người dân bản địa. Họ bàng hoàng chưa tin đó là sự thật. Mới sáng hôm qua thôi, thôn 1 còn đó, nhưng chỉ sau 8 phút, 11 tổ ấm gia đình đã nằm dưới đống bùn đất đổ nát.
Tại hiện trường đổ nát, ngổn ngang, hàng trăm cán bộ chiến sĩ cùng máy móc đang cào xới từng tấc đất để kiếm tìm 14 người còn mất tích. Chăn màn, cột gỗ, xe máy và nhiều vật dụng sinh hoạt được bộ đội lấy lên chất thành đống. Bầu không khí âm u, trên bìa rừng, người dân xã Trà Leng nín thở chờ đợi, những khuôn mặt thất thần, sợ hãi xen lẫn bi thương.
“Khoảng 15 giờ (ngày 28/10), lúc đó trời mưa, tôi đang nằm trong nhà, cách hiện trường khoảng 500m thì nghe tiếng nổ lớn, hốt hoảng chạy đến thì thấy cảnh tượng kinh hoàng, lũ ống kéo theo đất đá tràn xuống vùi lấp thôn. Chỉ trong 8 phút, 11 ngôi nhà bị chôn vùi dưới đống đất đá. Chúng tôi đứng bên núi này nhìn muốn làm điều gì đó nhưng không thể nào tiếp cận, đành bất lực đứng nhìn mà đau đớn”, ông Đặng Sỹ Tú, 47 tuổi, một người dân địa phương, kể.
Em Nguyễn Thành Quốc (25 tuổi) gục xuống bên thành gỗ vốn là ngôi nhà của mình. Bố bị thương nặng được bộ đội đưa đi cấp cứu, mẹ chưa có tung tích, từ hôm qua tới giờ, Quốc chờ đợi đội cứu nạn tìm mẹ. Chị Nguyễn Lan Phượng (họ hàng của Thành), cho biết: “Chỉ trong mấy phút, lũ ống, sạt lở đất qua đi, chúng tôi chạy tới. Không có cuốc xẻng chỉ biết dùng tay cào đất, lật đá nhưng chỉ tìm được hai thi thể”.
Cũng tại huyện Nam Trà My, tối 28/9, lũ quét và sạt lở đất đã chôn vùi ngôi nhà của gia đình anh Đinh Văn Thiều ở xã Trà Vân, gồm gia đình anh và người trong làng đến nhờ tránh trú bão tổng cộng 20 người. 12 người may mắt thoát chết trong tình trạng bị thương nặng, 8 người tử vong. |
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)