Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nhà trường quan hệ tốt với địa phương

Tạp Chí Giáo Dục

Trong các mối quan hệ quản lý trường học, quan hệ với chính quyền địa phương nơi trường trú đóng là một quan hệ hết sức quan trọng và cần thiết. Nếu có quan hệ tốt với địa phương thì trường học sẽ nhận được sự hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả từ bên ngoài nhà trường. Tôi xin kể lại 2 câu chuyện chứng minh cho nhận định này.

Chuyện thứ nhất: Trường tôi trước đây là một trường bán công nên quy tụ nhiều học sinh học yếu và chưa ngoan về học. Do vậy, tình trạng trốn học rất phổ biến. Trên con đường đến trường lại có tiệm net rất hấp dẫn các em. Học sinh thường trốn vào tiệm ấy chơi game và chat với bạn bè. Hiệu trưởng trường đã nhiều lần sinh hoạt với học sinh nên khắc phục tình trạng này để học hành nghiêm túc. Dù hiệu trưởng đã tác động nhiều lần mà tình hình trên vẫn không được cải thiện. Hậu quả là trong đợt kiểm tra học kỳ I, nhiều học sinh không đạt yêu cầu, trong đó đa phần là những em mê chơi game ở tiệm net nói trên. Trước tình huống này, Hiệu trưởng đã làm việc với Chủ tịch phường và Đoàn Thanh niên phường, nhờ tác động đến chủ quán net không nhận học sinh đến chơi game trong giờ học. Hiệu trưởng cũng xin phép Chủ tịch phường cho được dự họp với bà con tổ dân phố – trong đó có nhiều người là phụ huynh học sinh – trong buổi sinh hoạt hàng tháng để báo cáo về tình trạng học sinh trốn học và hậu quả của nó. Bà con trong tổ dân phố nghe xong rất bức xúc và đề nghị tổ trưởng nên làm việc cụ thể với chủ tiệm net không chứa chấp học sinh trong giờ học. Ngoài ra, hiệu trưởng cũng nhờ bà con, nếu thấy học sinh trốn học bất cứ nơi nào trong phường thì vui lòng gọi điện báo về trường ngay. Ông cũng đọc số điện thoại của trường và của mình cho bà con biết. Đoàn Thanh niên phường cũng hứa sẽ kết hợp với giám thị trường cử người đến tiệm net vận động đưa các em vào trường. Kết quả, tuần sau đó, những học sinh còn lân la ở quán net và các địa điểm khác trong giờ học được bà con trong tổ dân phố gọi điện báo cho nhà trường. Phường đội, Đoàn Thanh niên và giám thị đến “điệu” các em về trường học. Cảm động hơn, có nhiều trường hợp, chính bà con trong tổ dân phố đích thân dẫn các em về trường mà không đợi phường đội tới. Làm ráo riết như vậy, chỉ sau một tuần lễ, số học sinh trốn học giảm đi đáng kể. Học sinh đã đến trường đúng giờ và không la cà quán xá nữa. Hiệu trưởng cũng không quên xin được họp tổ dân phố để cám ơn bà con đã nhiệt tình giúp đỡ trường. Một bác cao tuổi nói: “Giúp trường chính là giúp cho con em của mình.  Dù con em mình có trốn học hay không nhưng khi thấy trường – phường phối hợp làm ráo riết như thế, các em phải chấn chỉnh bản thân,  không dám bê bối nữa”.

Sự kết hợp trên đã tạo nên một tiền đề tốt đẹp trong việc chung sức, chung lòng giáo dục học sinh.

Chuyện thứ hai: Trước cổng trường cần phải có cảnh quan tươi đẹp và đường đi thông thoáng để xây dựng “cổng trường an toàn, sạch đẹp”. Vậy mà vợ của một cán bộ phường đã bày hàng cơm bán cho học sinh làm cản trở giao thông và làm xấu đi bộ mặt của trường. Ngặt một nỗi, anh cán bộ phường này lại là người thường giúp nhà trường trong những lúc học sinh đánh nhau và điều phường đội đến điều khiển giao thông giữ trật tự trong giờ về. Vậy mà vì cuộc sống mưu sinh, vợ anh ta bán cơm trước cổng trường như thế. Thật là khó xử phải không các bạn? Hiệu trưởng đã trực tiếp mời người bán hàng vào trường trao đổi tình, lý, mong chị thông cảm, sắp xếp lại chỗ bán cơm để giúp trường thực hiện chủ trương chung. Mặt khác, Hiệu trưởng cũng nhờ Bí thư Đảng bộ và Chủ tịch phường tác động đến anh cán bộ, đề nghị anh về trao đổi với vợ cần làm gương không buôn bán, lấn chiếm trước cổng trường. Bà con trong tổ dân phố thấy vậy đã tìm cho vợ anh cán bộ một địa điểm khác thuận tiện gần trường để bán cơm, không còn bày biện trước cổng trường làm cản trở lối đi nữa. Hai sự việc trên cho thấy, nếu có sự kết hợp khéo léo với chính quyền địa phương, một số công việc của trường sẽ được giải quyết nhanh chóng. Mặt khác, khi tạo nên tình cảm tốt đẹp với nhân dân sống chung quanh trường thì trường sẽ nhận được sự hỗ trợ quý báu, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác giáo dục học sinh.

An Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)