Trung bình mỗi tuần Khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP.HCM tiếp nhận từ 4-5 trường hợp bị ung thư âm hộ ở phụ nữ. Điều đáng cảnh báo là nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng do đắp lá thuốc…
Các BS tại Khoa Ngoại 1 đang thực hiện phẫu thuật cho một bệnh nhân. Ảnh: BSCC
Mới đây, các BS tại Khoa Ngoại 1, BV Ung bướu đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ khoảng 60 tuổi trong tình trạng khối u âm hộ đã phát triển rất lớn, khiến quá trình phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.
BS.CKII Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu – cho biết: Bệnh nhân bị ung thư âm hộ, khối bướu rất to, sùi như bông cải, màu đen. Mặc dù thường gặp những trường hợp như vậy nhưng cũng làm tôi “ớn da gà”… Nhận thấy tình trạng của bệnh nhân rất nặng, tôi hỏi bệnh nhân có đắp lá cây không?; bệnh nhân trả lời: “Đã đắp lá thuốc cả tuần nay rồi. Lúc đầu khối u chỉ bằng quả chanh, sau khi đắp lá cây thì to khủng khiếp”… Sau khi hội chẩn, các BS quyết định mổ dọn sạch khối bướu. Dự kiến bệnh nhân phải mất trên 2 tháng chăm sóc hậu phẫu tích cực để liền da, sau đó sẽ điều trị hóa – xạ”.
Theo BS Tiến, thời gian gần đây ung thư âm hộ ở phụ nữ dường như vào “mùa”. Bình thường Khoa Ngoại 1, BV Ung bướu tiếp nhận khoảng 1-2 ca/tuần, tuy nhiên thời gian gần đây mỗi tuần tiếp nhận khoảng 4-5 ca. Trong đó, hầu hết các trường hợp đến BV khám và điều trị khi tình trạng đã nặng, nhiều người trước đó dù đã phát hiện sớm nhưng lại tự điều trị bằng đắp lá thuốc thay vì đến BV. Bệnh thường gặp ở những người phụ nữ lớn tuổi và có trình độ học thức thấp, cho nên dễ mắc sai lầm trong điều trị. Bên cạnh đó, có nhiều bệnh nhân mắc cỡ, không dám đi khám, tự ý mua thuốc về xức hay đắp lá cây làm sang thương bùng phát dữ dội, nhiễm trùng, nhiễm độc.
BS Tiến chia sẻ: Đây là một bệnh lý ung thư có mức độ ác tính thấp nhất trong các loại ung thư phụ khoa, nó thường chỉ diễn tiến tại chỗ và ít khi cho di căn xa. Trong giai đoạn sớm điều trị rất đơn giản, chỉ cần phẫu thuật cắt là đủ. Tuy nhiên nếu giai đoạn trễ, bướu xâm lấn các cơ quan xung quanh thì việc điều trị rất khó khăn, phức tạp. Phẫu thuật đòi hỏi phải cắt thật rộng để lấy hết bướu, nên nhiều khi phải mở đường đi cầu, đi tiểu trên bụng suốt đời cho bệnh nhân. Sau khi cắt xong còn phải tạo hình lại âm hộ, lấy mảnh da từ nơi khác đến che lấp đi chỗ thiếu da. “Bất kỳ một vết loét nào trên cơ thể nếu chưa xác định bệnh gì tuyệt đối không nên đắp bất cứ lá gì lên. Nếu là ung thư thì nó sẽ bùng phát dữ dội ví như chúng ta chọc tay vào ổ kiến lửa. Khi đó nguy cơ nhiễm trùng nhiễm độc nghiêm trọng. Một lưu ý nữa, nếu có những viêm nhiễm hay vết loét ở vùng âm hộ, dù đã được điều trị theo phương pháp thông thường tại các BV đa khoa hay da liễu (dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc bôi… do BS chỉ định chứ không phải các cách dân gian đắp lá hay lễ…) mà vẫn không khỏi, chị em nên đi khám chuyên khoa ung bướu để phát hiện sớm bệnh.
Bài, ảnh: Nhã Nam
Bình luận (0)