Theo nghiên cứu của BV Nhi đồng 1, năm 2018 có khoảng 82% trẻ em trên 12 tháng tuổi bị thiếu máu thiếu sắt được ghi nhận uống hơn 600ml sữa tươi/ngày.
Các BS cho biết, trẻ thiếu máu do thiếu sắt có thể do nhiều nguyên nhân như trong khẩu phần ăn quá nghèo nàn chất sắt hoặc trẻ ăn với lượng thức ăn nhỏ, không thể cung cấp đủ chất theo nhu cầu của cơ thể; trẻ sinh non thiếu tháng; trẻ mắc các bệnh mạn tính; trẻ bị nhiễm ký sinh trùng đường ruột (nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim…); trẻ đi ngoài kéo dài, bị viêm ruột; trẻ sinh ra từ người mẹ thiếu máu trong khi mang thai… Theo BS Vương Ngọc Thiên Thanh – Khoa Sốt xuất huyết, BV Nhi đồng 1, giảng viên Bộ môn Nhi – Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngoài những nguyên nhân trên, hiện nay nhiều bậc phụ huynh thường lầm tưởng rằng trong thành phần sữa tươi đã chứa chất sắt, việc cho con uống nhiều sữa tươi đã bổ sung đầy đủ chất sắt. Đó là quan niệm sai lầm, thậm chí có thể khiến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt của trẻ trầm trọng hơn. Nghiên cứu tại BV Nhi đồng 1 năm 2018 cho thấy, có khoảng 82% trẻ trên 12 tháng tuổi bị thiếu máu thiếu sắt được ghi nhận uống hơn 600ml sữa tươi/ngày. Điều đó cho thấy dù việc cung cấp protein, vitamin và khoáng chất, sữa vẫn được xem là nguồn dinh dưỡng toàn diện nhưng uống sữa tươi nhiều vẫn thiếu máu, thiếu sắt. Đặc biệt, ngay cả những trẻ thừa cân béo phì cũng có thể bị thiếu sắt nếu trẻ uống sữa tươi quá nhiều.
Theo đó, nguyên nhân được xác định do giữa canxi, photpho trong sữa và sắt có sự cạnh tranh với nhau. Canxi, photpho cạnh tranh hấp thụ với sắt, khiến sắt không được hấp thụ hoặc hấp thụ không đủ. Đối với trẻ em thì tình trạng thiếu máu do thiếu sắt thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các nghiên cứu đã thực hiện cho thấy tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em Việt Nam nằm trong khoảng 9 đến 20% tùy địa phương, nghĩa là cứ 10 trẻ thì có 1-2 trẻ bị thiếu máu thiếu sắt.
BS Thanh khuyến cáo, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng toàn diện nhưng phụ huynh không nên cho con uống quá nhiều. Thay vào đó cần có chế độ dinh dưỡng đa dạng bổ sung nhiều thực phẩm giàu sắt. Khi trẻ có những biểu hiện còi cọc, xanh xao, biếng ăn, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ của trẻ sau này.
N.Nam
Bình luận (0)