Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Phản hồi bài Áp lực kỳ thi không đáng có! (ngày 1-7): Kỳ thi tạo được sự quan tâm của mọi người

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh ra v sau bui thi môn toán. Ảnh: Tùng Nhung

Kỳ thi THPT quốc gia vừa kết thúc được cho là “nghiêm túc, nhẹ nhàng”. Dĩ nhiên, đánh giá kỳ thi này thành công hay không hoặc thành công đến mức độ nào thì còn đợi nhiều yếu tố khác, trong đó có việc chấm thi, đánh giá kết quả và các vấn đề khác nữa.

Bước đầu, như lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhìn nhận, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi với những điểm mới được bộ quy định nhằm siết chặt kỷ cương; kỳ thi năm nay đã tăng cường việc kiểm soát trên diện rộng với nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra lưu động; các điểm thi đã thực hiện tốt quy chế, đặc biệt là những điểm mới lần đầu tiên quy định ở khâu coi thi như việc giám thị bốc thăm nhận phòng thi đầu các buổi thi, bốc thăm chọn phương án phát đề thi, bảo mật chặt chẽ hơn trong các khâu niêm phong, bàn giao bài thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi… Nhiều người cũng nhắc đến những câu chuyện cảm động của các nhà trường, sinh viên tình nguyện… đã giúp đỡ thí sinh, như câu chuyện thí sinh được tạo điều kiện tốt nhất bằng cách in đề thi trên giấy khổ A3. Hay với đề thi các môn, dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng cơ bản nhiều người cho là đề khá tốt. Chẳng hạn, đề ngữ văn được cho là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đòi hỏi thí sinh có kiến thức khá rộng, có độ cảm thụ các tác phẩm văn học tốt; đề môn địa lý khuyến khích học sinh sử dụng Atlas và thực sự có tác động tích cực đến việc thúc đẩy giáo viên quan tâm đúng mức việc dạy cho học sinh “đọc được” Atlas; đề môn lịch sử ít buộc phải nhớ sự kiện hoặc số liệu, ít đánh đố, thí sinh không chỉ cần kiến thức rộng mà còn phải biết vận dụng; đề môn giáo dục công dân có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống vì xoay quanh mối quan hệ công dân với Nhà nước, pháp luật, có nhiều câu hỏi lồng ghép tình huống thực tiễn, dù không có các câu hỏi mang tính thời sự như đề thi năm 2018; đề môn tiếng Anh được cho là vừa phải, tuy không nhắc đến những câu chuyện thực tế nổi bật nhưng cũng nêu ra vài chi tiết mang tính thời sự, như rác thải điện tử, sự lên ngôi của smartphone… Dĩ nhiên, một kỳ thi quan trọng và được tổ chức trên diện rộng khó tránh được một số sự cố nhỏ như phát nhầm đề thi, in sao sai mã đề thi khiến thí sinh phải làm bài muộn…, nhưng nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến kết quả làm bài của thí sinh.

Có thể nói, kỳ thi THPT quốc gia để lại nhiều điều lắng đọng. Trước hết, cho đến thời điểm kết thúc việc làm bài của thí sinh, có thể nói công tác chuẩn bị và tổ chức cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của Bộ GD-ĐT cùng các địa phương trong việc tạo một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, tiết kiệm. Sự cố của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là hết sức nghiêm trọng, đã đặt ra nhiều thách thức cho toàn ngành giáo dục trong việc chấn chỉnh kỳ thi năm nay, nên từ sớm đã có sự nghiên cứu, phối hợp tổ chức một cách chặt chẽ, khoa học. Bên cạnh đó, các đề thi cơ bản đáp ứng được đồng thời 2 yêu cầu, đủ cơ sở để thí sinh tốt nghiệp đồng thời có sự phân hóa nhất định để thực hiện việc xét tuyển vào các trường ĐH. Như vậy, tính chất “2 trong 1” của kỳ thi nào tiếp tục được phát huy như các năm trước. Hay các công việc mang tính hỗ trợ, “bên lề” của kỳ thi cũng được sự quan tâm của xã hội. Chẳng hạn, việc tổ chức phân luồng giao thông ở các nơi được thực hiện rất tốt, không xảy ra sự cố giao thông đáng tiếc; lực lượng sinh viên tình nguyên tiếp tục thể hiện vai trò hỗ trợ rất tích cực và kịp thời cho cả thí sinh lẫn phụ huynh; nhiều tổ chức, cá nhân có nhiều cách thức giúp đỡ cho thí sinh và thân nhân cả về vật chất lẫn tinh thần…

Chúng ta cũng nhớ lại ở năm trước, kỳ thi THPT quốc gia lúc đầu cũng được đánh giá là nghiêm túc, thế nhưng sau đó xảy ra hàng loạt sai phạm ở một số địa phương với quy mô và tính chất rất nghiêm trọng. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, để cho là một kỳ thi thành công phải thể hiện tốt cả khâu tổ chức, chấm bài, ráp kết quả. Còn điểm số ra sao, phổ điểm thế nào, điểm chuẩn cao thấp so với năm trước, có bao nhiêu điểm 0 môn lịch sử… chẳng hạn lại là vấn đề khác, lớn hơn, rộng hơn, nhưng cũng là vấn đề của ngành giáo dục, và ngành giáo dục phải quan tâm xử lý. Dĩ nhiên, toàn xã hội đòi hỏi ngành giáo dục tiếp tục có những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, tích cực hơn nữa, bám sát thực tiễn hơn nữa. Nhưng khi đã xem công tác giáo dục phục vụ cho tất cả mọi người thì mỗi người nên cùng tham gia góp sức, ở vai trò là người học, là phụ huynh học sinh, là giáo viên, là những người có thể tham gia ở góc độ riêng của mình, chứ đó không chỉ là việc riêng của ngành giáo dục.

Đôi điều lắng đọng ở một kỳ thi chưa đủ phản ánh mức độ thành công của kỳ thi đó. Nhưng xét cho cùng, trên hết có lắng đọng tức là kỳ thi đã tạo được sự quan tâm và gây ra những cảm xúc cho mọi người. Đó cũng thực sự cũng là một điều tích cực!

Nguyn Minh Hi

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)