Xây dựng, nhân rộng Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các khu phố và UBND quận là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn TP.HCM của UBND quận Bình Tân. Đây được xem là bước đột phá, khẳng định tiềm năng sáng tạo, không ngừng đổi mới của quận Bình Tân nói riêng và TP nói chung.
UBND quận Bình Tân đột phá trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn
Với mô hình này, UBND quận Bình Tân vinh dự nhận giải ba Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ nhất năm 2019 (lĩnh vực cải cách hành chính) với công trình mang tên “Nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn quận Bình Tân”.
Đến tận khu phố tư vấn
Trước đây, công nghệ là điều gì đó còn rất xa lạ với bà con trên địa bàn quận Bình Tân. Tuy nhiên, từ khi mô hình Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các khu phố và bộ phận hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại UBND quận, phường, đến nay số lượng người dân làm thủ tục hành chính thông qua công nghệ đã đạt trên 54%.
Cô Võ Thị Lành (kinh doanh bất động sản trên địa bàn) cho hay: “Nhờ Tổ tư vấn đã hỗ trợ tôi biết nhiều hơn về các thủ tục hành chính, giấy tờ chuyển nhượng đất đai. Hồi trước, để hoàn thành bộ hồ sơ nhà đất, tôi phải lặn lội mất cả chục cây số lên đây nộp hồ sơ, sau đó nhận giấy hẹn một, hai tháng mới quay trở lại lấy kết quả. Nhưng nhờ Tổ tư vấn, tôi được các cán bộ tận tâm chỉ dẫn, bây giờ việc làm thủ tục hành chính gọn, lẹ hơn nhiều, có thể làm tại khu phố của mình”.
Bày tỏ sự hài lòng với cách làm này, chị Ngô Thị Kim Châu (ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) cho biết mình cũng từng khó chịu vì có lúc người dân đến làm thủ tục hành chính đông, phải chờ đợi có khi cả buổi sáng, thậm chí sang buổi chiều mới đến lượt nhưng khổ nỗi là các thành viên trong gia đình không rành về máy vi tính, điện thoại thông minh nên không dám tự đăng ký các dịch vụ trực tuyến. Rồi một ngày, chị được người hàng xóm chỉ dẫn đến Tổ tư vấn để giải quyết. Thế là từ đó, chị nhẹ nhõm mỗi khi làm bất cứ giấy tờ gì. “Có lúc cũng gặp chút khó khăn vì phải trải qua nhiều bước nhưng dần rồi cũng quen, thấy dễ dàng, tiện lợi hơn khi đến tận nơi” – chị Châu vui vẻ nói.
Theo anh Phạm Hồng Khanh (chuyên viên), mô hình Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được thực hiện tại 10 phường và 130 khu phố trên địa bàn quận. Ở mỗi nơi có đặt máy vi tính có đường truyền internet tốc độ cao. Hằng ngày, cơ quan luôn cử người thay phiên trực, thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn nếu người dân muốn làm thủ tục trực tuyến. Tuy nhiên, không phải cán bộ nào cũng rành công nghệ. Chính vì vậy, cơ quan phải đào tạo, huấn luyện để các thành viên trong tổ có kỹ năng hướng dẫn lại cho người dân.
Tham gia dịch vụ công trực tuyến tăng mạnh
Chia sẻ về mô hình này, ông Lê Văn Thinh (Chủ tịch UBND quận Bình Tân) cho biết, từ ngày 1-10-2016, UBND quận Bình Tân đã bắt đầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 20 thủ tục, thuộc 3 lĩnh vực (kinh tế, y tế, xây dựng). Tuy nhiên trong 3 tháng đầu, tỷ lệ cá nhân, tổ chức tham gia dịch vụ công trực tuyến chỉ đạt 4,3%. Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính quận đã đánh giá nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa thật sự lan tỏa, người dân chưa quan tâm đến ý nghĩa và lợi ích đạt được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Để cải thiện tình trạng, trong năm 2017, quận đã triển khai mô hình Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại quận và 10 phường để đẩy mạnh hiệu quả truyền thông, hỗ trợ cải cách hành chính, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến. Kết quả, tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến đạt 27,3%. Cuối năm 2017, mô hình mở rộng đến các khu phố trên địa bàn quận” – ông Thinh chia sẻ.
Ngoài ra, quận Bình Tân cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 gồm: đầu tư trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật tại các cơ quan, đơn vị thuộc quận và UBND 10 phường (máy vi tính, máy in, máy scan); bố trí nhân sự trực tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân; cấp phát 65.000 tài liệu tuyên truyền hướng dẫn từng bước thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về công tác cải cách hành chính” nhằm thu hút các sáng kiến, đề xuất của các cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn quận; ban hành quy trình cụ thể giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục đã đưa vào vận hành.
Đến nay, dịch vụ công trực tuyến đã góp phần làm thay đổi mối quan hệ giữa người dân và chính quyền. Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc để xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử. “Hiệu quả của chương trình dịch vụ công trực tuyến đã thấy rõ. Cụ thể đã có 61 thủ tục trực tuyến mức độ 3 (thuộc các lĩnh vực kinh tế, y tế, lao động, xây dựng, môi trường, hộ tịch, giáo dục, khen thưởng) và 13 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (thuộc các lĩnh vực lao động và xây dựng). Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng tăng. “Nếu vào cuối năm 2016, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3 chỉ đạt 4,3%, đến năm 2018, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3 tăng 24%; mức độ 4 là 99%. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 là trên 54%. Đạt được kết quả này là do sự nhất trí, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhất là sự đóng góp tích cực của các thành viên Tổ tư vấn thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của quận, phường và khu phố” – ông Thinh phấn khởi.
Hồ Trinh
Bình luận (0)