Mỗi mùa thi đi qua, nỗi lo lắng ở lại. Đề khó, đề dễ, điểm cao, điểm thấp là những vấn đề được bàn tán rất nhiều sau mỗi kỳ thi. Điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 nhiều nơi giảm mạnh. Bất ngờ hơn là sự kiện sau 8 ngày công bố điểm chuẩn vào lớp 10 của 112 trường công lập, Sở GD-ĐT TP.Hà Nội thông báo hạ điểm chuẩn của 37 trường do số thí sinh xác nhận nhập học thấp hơn chỉ tiêu.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2019 chuẩn bị làm bài môn toán. Ảnh: N.Trinh
Băn khoăn dạy như thế nào cho phù hợp?
Lược qua số liệu thống kê điểm thi tuyển sinh lớp 10 của một số tỉnh/thành trong cả nước khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay, trong đó đáng chú ý có rất nhiều bài thi điểm 0. Tại Hà Nội, số thí sinh bị điểm 0 môn toán là 150, môn văn là 56, môn ngoại ngữ là 1, có tới gần 50% thí sinh dưới trung bình môn ngoại ngữ. Một tỉnh khác có hơn 650 thí sinh thi vào lớp 10 bị điểm 0 môn toán… Vẫn chưa có một thống kê chính thức về khu vực sinh sống, gia cảnh của các đối tượng thí sinh trong diện “điểm liệt” chạm đáy. Mọi nhận định đưa ra đều mang tính suy đoán, do vậy chúng ta cần cân nhắc trước khi phán đoán, “kết tội” cho ai đó, hay phê phán những bất cập đang tồn tại trong ngành giáo dục. Nhận định chung của đại diện các sở GD-ĐT là khá bất ngờ, không hiểu lý do tại sao nhiều thí sinh bị điểm liệt, khi mà đề thi được đánh giá là vừa sức, phù hợp với học sinh lớp 9, và có sự phân hóa đối với trình độ các em. Một số thầy cô thì nhận định có nơi đề thi “an toàn”, ra đề theo dạng toán như những năm trước đó, có nơi đề thi “sáng tạo”, kết hợp dạng toán giáo khoa với dạng toán ứng dụng thực tế, khen có chê có. Tuy nhiên điều khiến cho giáo viên băn khoăn nhất, không phải là điểm thi thấp hay đề thi khó, mà chính là giáo viên không biết nên dạy như thế nào cho phù hợp. Bởi vì có rất nhiều phương án tuyển sinh được đưa ra, trong đó có cả phương án thi tích hợp nhiều môn, nhưng nếu Sở GD-ĐT không có một lộ trình rõ ràng thì thầy cô sẽ mất định hướng. Có nên tiếp tục dạy theo nội dung trong sách giáo khoa nữa hay không, dạy các bài học ứng dụng thực tế thì dạy vào thời điểm nào, trong khi khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT vẫn không hề thay đổi. Sự thay đổi theo hướng tích cực là tốt, nhưng khi chưa có một lộ trình rõ ràng, không đồng bộ, thì đề thi mang tính “thời vụ” không khác gì “giật gấu vá vai”. Học gì thi nấy hay thi gì dạy nấy là câu hỏi còn bỏ ngỏ cho ngành giáo dục hiện nay.
Điểm 0, lỗi tại ai?
Lý giải về việc có đến 668 bài thi môn toán vào lớp 10 ở tỉnh Khánh Hòa bị điểm 0, bà Hoàng Thị Lý (Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Khánh Hòa) cho biết: “Đa số các em bị điểm 0 là vì đi thi theo mong muốn của gia đình. Trong số các bài thi bị điểm 0, đa số thí sinh bỏ giấy trắng hoàn toàn, có em còn không viết hai chữ “Bài làm”, có em chỉ chép lại đề bài. Các em ấy rõ ràng là không có tâm thế làm bài, không muốn thi để theo học lên nữa”. Tuy rằng không phải tất cả, nhưng nhận định này cũng có phần đúng. Gia đình lo lắng cho con cái cũng không hẳn sai trái. Ở cái độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” thì những em này sẽ làm gì khi bị thất học, rồi bị đẩy ra ngoài xã hội. Ngay bản thân thầy cô phải rất đắn đo trước khi đưa ra quyết định cho học sinh ở lại lớp. Bởi điều đó sẽ là một cú sốc cho đứa trẻ, là gánh nặng cho gia đình thêm một năm học, là nỗi lo cho xã hội nếu con đường học vấn của các em phải giữa đường đứt gánh. Đúng là có những học sinh chán học, lười học, nhưng xin đừng gọi các em là những “sản phẩm bị lỗi”, bởi các em cũng chỉ là nạn nhân đáng thương mà thôi. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là do hệ thống giáo dục Việt Nam chú trọng lý luận hơn thực hành. Chỉ có một con đường “độc đạo” đi thẳng từ TH, THCS, THPT lên CĐ, ĐH. Các em học sinh không còn sự chọn lựa nào khác, do vậy mọi ngã rẽ đều là thất bại. Các trường TC dạy nghề chưa thực sự thu hút học sinh, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chưa bảo đảm thu nhập sau khi ra trường, chứ chưa nói gì đến việc phát triển năng lực của người học. Ông Lê Quân (Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: “Phân luồng học sinh hết lớp 9 vào học nghề là chủ trương đã được Đảng và Chính phủ đặt ra từ rất nhiều năm qua. Chỉ tiêu phân luồng được đưa ra là 30% vào năm 2020 và 45% vào 2025. Tuy nhiên, đến nay kết quả phân luồng đạt rất thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân khách quan đến từ tâm lý của phụ huynh, học sinh và của doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức đến học nghề. Nguyên nhân chủ quan là chất lượng các chương trình đào tạo nghề dành cho học sinh hết lớp 9 chưa đáp ứng yêu cầu”.
Nhiệm vụ của nhà trường trong thời đại hiện nay thay vì truyền thụ kiến thức đơn thuần thì cần phải chú trọng đến việc trang bị cho người học khả năng tự học, kỹ năng tìm kiếm tri thức, tư duy độc lập, tư duy phản biện… |
Năm 2011, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng việc có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH là bình thường. Việc thay đổi chương trình môn lịch sử cũng mới đang ở giai đoạn phải… bàn. Ông Luận nói: “Theo tôi, trong một kỳ thi như kỳ thi ĐH vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 là bình thường. Đây là kỳ thi cấp quốc gia, là thi tuyển, với mục đích phân loại để làm rõ đâu là người giỏi, người khá, đâu là người yếu kém”. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng vậy, là kỳ thi mang tính chất thi tuyển, phân loại thí sinh, nhưng không thể vì lý do đó mà ra đề thi quá mức, quá xa lạ với kiến thức nền của cấp học dưới. Đề thi để đánh giá chứ không phải để đánh đố. Khi người làm lãnh đạo xem nỗi đau của hàng ngàn thí sinh là bình thường, thì điều đó chính là sự bất thường! Môn lịch sử nói riêng và các môn học khác nói chung còn quá khô cứng trong cách truyền tải kiến thức thì học sinh không ham thích môn học đó là điều tất yếu. Giáo dục mấy chục năm qua cứ loay hoay cải cách chương trình sách giáo khoa, chỉnh lý hợp nhất rồi lại phân ban, nhưng vẫn chưa định hướng người học phát triển năng khiếu, cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng để hòa nhập và đáp ứng nhu cầu xã hội. Có lẽ sai lầm đầu tiên là tham vọng trang bị cho người học đầy đủ kiến thức cơ bản của nhân loại trong chương trình giáo khoa. Đây là điều “không thể, không cần thiết và không hiệu quả”. Học sinh phổ thông cứ học mà không có đủ thời gian nghỉ ngơi, thiếu những sân chơi hoạt động bổ ích. Theo PGS.TS Quách Đình Liên (Hiệu trưởng Trường ĐH Thái Bình Dương) và ThS. Lê Trung Tín: “Cần phải tái cấu trúc lại nhận thức về giáo dục và vai trò quản lý của Nhà nước với sự nghiệp giáo dục; Tái cấu trúc lại hệ thống quản lý về giáo dục; Tái cấu trúc về phương thức giáo dục và đào tạo; Đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, phát triển năng lực và phẩm chất con người mới”.
Do đó, nhiệm vụ của nhà trường trong thời đại hiện nay thay vì truyền thụ kiến thức đơn thuần thì cần phải chú trọng đến việc trang bị cho người học khả năng tự học, kỹ năng tìm kiếm tri thức, tư duy độc lập, tư duy phản biện… Bộ GD-ĐT có vai trò định hướng giáo dục, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục hơn là cứ mãi đứng ra tổ chức kỳ thi tuyển sinh thay cho các trường ĐH, CĐ. Nếu đoàn tàu giáo dục cứ đỗ mãi ở “ga nông nghiệp” thì hàng vạn thí sinh vẫn còn phải bước lên các toa tàu cũ kỹ, sẽ vẫn còn dính những vết lem trên chiếc áo trắng học trò mà không sao tẩy xóa được.
Lâm Vũ Công Chính
(giáo viên Trường THPT
Nguyễn Du, TP.HCM)
Bình luận (0)