“Khi mình có cơ hội được ra thành phố học tập mới thấy các em nhỏ ở quê còn nhiều thiệt thòi quá. Đây là lý do mình lên ý tưởng và kêu gọi các bạn sinh viên cùng đưa tiếng Anh về dạy cho trẻ em nghèo ở nông thôn”, Dương Quốc Bảo (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, hiện là du học sinh tại Học viện Sư phạm Ngọc Lâm – Trung Quốc) bộc bạch.
Học sinh hào hứng với các tiết học tiếng Anh do Dương Quốc Bảo khởi xướng
Rộn ràng lớp học làng quê
Những ngày hè, tại Trường TH Lê Hoàn (xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) luôn vang vang tiếng đọc bài của các em nhỏ. Giáo viên đứng lớp là những sinh viên tình nguyện của các trường ĐH ở khắp mọi miền đất nước tụ về. Ngoài những giờ học bài chính khóa dựa vào nội dung sách giáo khoa, các em còn được tham gia chơi trò chơi để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, nói trước đám đông… “Đây là mùa hè thứ 3 em theo học lớp tiếng Anh miễn phí của các anh chị sinh viên. Được đến lớp học tiếng Anh em thấy rất vui. Ở đây em học được nhiều kiến thức tiếng Anh trong sách giáo khoa để vào năm học sẽ học tốt hơn môn này. Đồng thời, ở đây em được các anh chị hướng dẫn tham gia chơi trò chơi đố vui bằng tiếng Anh, gặp gỡ người nước ngoài để trò chuyện, tăng kỹ năng giao tiếp. Em sẽ cố gắng học tiếng Anh thật tốt để sau này làm hướng dẫn viên du lịch…”, Lê Thị Khánh Nhàn (học lớp 6 Trường THCS Tam Dân) bộc bạch. Còn với Nguyễn Chí Toàn (học lớp 7 cùng trường) thì đây là mùa hè đầu tiên em tham gia lớp học. Cũng như nhiều đứa trẻ nông thôn khác, Toàn chưa hề được ba mẹ cho đi xa ra khỏi xóm làng. Mùa hè của Toàn là cùng với bạn bè hàng xóm quây quần bên trái bóng tròn hay đi đâu đó dọc đường làng, ngõ xóm. Hôm được các anh chị sinh viên thông báo mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí, có người nước ngoài tham gia vào quá trình giảng dạy, Toàn tò mò và háo hức đăng ký ngay. “Đây là lần đầu tiên em được trò chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài. Dù vốn từ còn ít và kỹ năng phát âm của em chưa tốt nhưng vẫn thấy rất hào hứng, học xong lại mong tiết học tiếp theo đến thật nhanh để được học”, Toàn cho biết.
Mùa hè này, ở Tam Dân có tất thảy 400 học sinh từ lớp 2 đến lớp 10. So với 2 năm trước, số học sinh đến lớp ngày càng đông. Để đảm bảo hiệu quả học, mỗi lớp được bố trí 20 em…
Một tấm lòng cho học sinh vùng khó
Dự án dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo của Dương Quốc Bảo thu hút hàng chục sinh viên đang theo học tại các trường ĐH trên mọi miền đất nước tham gia đứng lớp. |
Dự án mang tiếng Anh đến với trẻ em nghèo do Dương Quốc Bảo sáng lập. Theo đó, dự án đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng sinh viên tình nguyện 2019 do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức. Bảo kể: Mình rất thích học tiếng Anh, vì vậy đã đăng ký vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế. Chính những năm tháng khăn gói từ làng quê (xã Tam Dân – PV) ra Huế trọ học, mình nhận ra học sinh ở quê thiếu thốn đủ điều, nhất là cơ hội học tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập… Nghĩ là làm. Mùa hè năm 2017, Bảo cùng hai bạn sinh viên quê Tam Dân bàn bạc mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo trong xã. Để thu hút học sinh đến lớp và tạo hứng thú cho các em, nhóm của Bảo tổ chức nhiều hoạt động vui chơi. Cùng với đó, nhóm hướng giải pháp giảng dạy chú trọng về giao tiếp, kèm theo các trò chơi để kích thích tinh thần học tập của các em. Kết quả là từ năm đầu tiên đã nhận được sự yêu thích của rất nhiều học sinh và sự đồng thuận của phụ huynh.
Từ năm 2018, Bảo đi du học nhưng vẫn đều đặn duy trì phát triển dự án trong mùa hè ở xã nhà. Lớp học ngày càng thu hút đông học sinh. Nhiều sinh viên tình nguyện đăng ký đến giảng dạy miễn phí. Hồ Thị Thảo Nguyên (sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Đây là mùa hè thứ 2 mình tham gia dạy ở dự án tiếng Anh cộng đồng của anh Bảo. Mỗi tuần dạy 2 buổi vào thứ ba và thứ năm. Bên cạnh nội dung chính bám sát sách giáo khoa, mình còn soạn bài giảng thiên về kỹ năng giao tiếp, ra các bài tập ngoài sách… để các em nhỏ rèn luyện. Mình thấy các em nhỏ ở quê còn nhiều thiệt thòi nên muốn góp một phần sức trẻ đem lại cho các em ấy những điều thú vị hơn”…
Từ làng quê nghèo xã Tam Dân đến giảng đường ĐH ở Huế, rồi mang tiếng Anh về làng quê nghèo nơi mình sinh ra giảng dạy, với Bảo là một hành trình dài trên con đường chung tay, góp sức trẻ để xây dựng quê hương trong thời kỳ hội nhập.
Hàn Giang
Bình luận (0)