Sự quan tâm của cha mẹ đến việc học tập của con cái mình là điều đương nhiên và là truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Tuy nhiên, quan tâm là một lẽ mà tạo điều kiện tốt nhất cho con vui học nhiều khi quá tầm với của không ít bậc phụ huynh. Khi con trẻ bước vào mùa nghỉ hè với thời gian “xả hơi dài gần ba tháng” thì cha mẹ bắt đầu bước vào giai đoạn nghĩ suy, lo toan cho con bước vào năm học mới “tất bật chỉ hơn hai tháng”.
HS vui hè tại khu vui chơi. Ảnh: I.T
1.Quan tâm của phụ huynh đến việc học tập của con em là yếu tố góp phần nâng cao trình độ học vấn của con em mình. Đầu tư vào giáo dục cho con là một trong những ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh. Thông thường, gia đình có sự quan tâm nhiều hơn cho giáo dục thì gia đình đó con em sẽ có trình độ học vấn cao hơn. Việc học tập ở đây hiện nay phải bao gồm cả học ở trường, học thêm và học ở nhà của con cái trong gia đình, việc đưa đón con cái đến trường, việc đáp ứng những yêu cầu từ thầy cô và nhà trường cũng như đòi hỏi của con em không hề là “chuyện nhỏ”. Bước vào năm học mới của con em, cha mẹ phải nghĩ đầu tiên đến “hầu bao” của mình về khả năng chi trả cho con trẻ để con có được những điều kiện cần thiết tham gia học tập. Cha mẹ phải chi tiền học phí, các khoản đóng góp cho trường lớp, mua sách vở và đồ dùng học tập, mua quần áo đồng phục HS, chi phí đi học thêm (khá cao), phụ phí phát sinh như ăn uống, đi lại và các khoản khác liên quan… Ở các bậc học càng cao thì chi phí cho giáo dục càng lớn, và những người có mức thu nhập trung bình và thấp thì đó là một gánh nặng không dễ vượt qua.
2. Mỗi năm học mới, các bậc phụ huynh lại sẽ đối mặt với vấn đề chi phí cho con đi học, đặc biệt là ở cấp THPT, tâm lý phổ biến là học hết THCS là phải vào THPT, hết THPT là phải vào ĐH, nên không ngạc nhiên khi vào được lớp 10 trở thành mục tiêu “sống còn” của HS và cũng là kỳ vọng lớn nhất của các bậc phụ huynh, có thể nhìn thấy qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập căng thẳng và áp lực, thậm chí “còn hơn cả kỳ thi THPT quốc gia” và với chủ trương phân luồng sau THCS thì số HS được tuyển vào các trường công lập ngày có chiều hướng giảm, như theo số liệu công bố thì năm 2019 tại TP.HCM sẽ có hơn chục ngàn HS rớt khỏi lớp 10 công lập và trên lý thuyết những em rớt lớp 10 công lập vẫn có thể tiếp tục con đường học vấn ở các trường trung cấp nghề, trường THPT tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên thực trạng hiện nay nhiều HS và phụ huynh lại không mấy mặn mà các trường trung cấp nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên và trên thực tế các hệ đào tạo này chưa thật có sức thu hút. Như vậy, HS chỉ còn con đường vào các trường THPT ngoài công lập và đâu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất với những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn khi các trường tư thục “chất lượng cao” đương nhiên sẽ là lựa chọn tốt nhất thì chi phí “không hề thấp”, nên đây vẫn không thể là lựa chọn của các gia đình có thu nhập “khiêm tốn”… Đấy là chưa kể khi con lên đại học thì chuyện học phí quả là đều “quá sức” đối với nhiều phụ huynh trong khi chính sách giảm học phí cho người nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí… và chính sách miễn, giảm học phí… và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều…, trên thực tế hiện chỉ áp dụng ở các trường công lập (các cơ sở GD ngoài công lập thực hiện chính sách này rất hạn chế).
3. Tại các cơ sở giáo dục công lập, nhìn chung chi phí của phụ huynh về mặt học phí tuy không nặng lắm, nhưng còn rất nhiều khoản thu khác mà phụ huynh phải chi trả trong nhà trường cũng như bên ngoài nhà trường mới là điều đáng quan tâm, từ đó đẩy tổng chi phí đầu tư cho con em học hành lên cao, đã gây nên tình trạng bất bình đẳng rõ rệt về điều kiện cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục của HS con nhà lao động. Với một khoản thu nhập nhất định từ tiền công, tiền lương của cha mẹ, lẽ tất nhiên con em gia đình nghèo có điều kiện học tập kém hơn, mua sắm sách vở và dụng cụ học tập ít hơn, đi học thêm ít hơn hoặc gần như không học thêm và chưa kể một số HS phải dành thời gian giúp đỡ gia đình và lao động kiếm sống vì thế mà ảnh hưởng chất lượng học tập, từ đó, kết quả học tập có nhiều khả năng thua sút so với con em nhà khá giả, dẫn đến tình trạng học lên càng cao, thì tỷ lệ HS đi học ở nhóm gia đình khá giả và bình dân càng chênh lệch, làm mất đi sự công bằng, bình đẳng trong giáo dục và làm giảm sức phấn đấu của HS.
4. Trước thực tế đó, phụ huynh cần có sự chủ động chuẩn bị trước (một khoản tích lũy nhất định thường xuyên) để đỡ lo về tiền học phí, vì đây là khoản đóng góp “tất nhiên” và tuy có sợ tăng học phí nhưng ở trường công học phí tuy có tăng nhưng vẫn với mức độ vừa phải, không phải là mối bận tâm lớn. Còn nếu học các trường ngoài công lập cần tham khảo mức học phí tại đây để “liệu cơm gắp mắm”. Phụ huynh cần biết rằng chất lượng và kết quả học tập của con không phải do “tầm cỡ” của ngôi trường quyết định mà chính là ở tinh thần, động cơ, thái độ và ý thức học tập của các em mới là điều then chốt; nên có liệt kê những trang bị cá nhân (quần áo đồng phục, giày dép, cặp sách…, kể cả áo đi mưa) và đồ dùng học tập thật sự cần thiết (tập vở, bút viết, các dụng cụ học tập…) để có thể tập trung vào mua sắm tránh lãng phí; nên giáo dục và động viên con có ý thức tiết kiệm tận dụng những dụng cụ cũ còn có thể sử dụng và ý thức chi tiêu hợp lý theo “ngân quỹ” của gia đình, nên chọn mua những vật dụng thật sự thiết yếu. Chuyện học thêm của con cũng là điều đáng quan tâm vì học thêm lại kèm theo học phí, nếu thấy cần thiết, chỉ học thêm môn học mà mình thật sự còn yếu, mất căn bản mà bản thân không đủ khả năng “phục hồi thành công lực”, chứ không phải chạy theo đám đông trong “cơn bão” học thêm mùa đầu năm học. Cha mẹ còn phải nhớ luôn giữ tinh thần thoải mái, chấp nhận mất rất nhiều thời gian cho con trong việc đón đưa, kèm cặp, giám sát con học tập; phải có thời gian biểu thích đáng để quản lý con học tập và ngăn ngừa con bị ảnh hưởng từ các sinh hoạt, thói quen bất lợi cho sự phát triển… thậm chí không muốn nhắc đến các tệ nạn…
Các bậc phụ huynh luôn phải có nhận thức rằng đầu tư về giáo dục được xem là một sự đầu tư khôn ngoan nhất cho tương lai của con em và để giảm bớt áp lực tài chính khi con vào năm học mới, hãy cân nhắc tìm ra phương án tối ưu theo phương châm “khó khăn nào rồi cũng sẽ có cách giải quyết”, từ đó tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà có cách xử lý hợp lý nhất và để từ chính cách ứng xử và những tác động tích cực ở phụ huynh trở thành yếu tố quan trọng khiến con trẻ bước vào năm học mới với tâm thế tự tin, mạnh dạn, dễ thích nghi. Hãy là những bậc phụ huynh thông thái, chu đáo và luôn là người bạn đồng hành vững tin với các con mình.
Trần Đăng Huy
Bình luận (0)