Kinh tế - Giáo dục

Bi hài chuyện giám định khoai tây ngoại nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Việc hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt Nam thời gian qua có nhiều điểm bất thường, cần giám sát đặc biệt.

“Thời gian gần đây, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận xuất xứ, kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Có mặt hàng được mang đi kiểm định nhưng không thể xử lý được”.

Đó là phát biểu của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, tại cuộc họp triển khai đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 9-7.

Bó tay với… củ khoai đội lốt

Ông Linh cho biết tình trạng hàng hóa nước ngoài gắn mác Việt Nam (VN) xuất hiện càng nhiều trên thị trường. Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện có nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc chứa độc tố hoặc hàm lượng hóa chất vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia ngoài danh mục, nhất là sản phẩm liên quan đến thực phẩm.

Không chỉ vậy, có nhiều loại nông sản xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) trà trộn với hàng sản xuất ở VN nhưng không thể xử lý. Ông Linh lấy ví dụ như vụ khoai tây TQ trà trộn với khoai tây Đà Lạt. Đó là hành vi gian lận xuất xứ, đánh đồng với khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng không biết làm thế nào để xác định.

“Khi chúng tôi mang khoai tây đi giám định chất lượng, củ khoai tây vẫn là củ khoai tây. Còn tiểu thương vẫn khẳng định đó là khoai tây VN” – ông Linh nêu thực tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng nêu thực tế có trường hợp hàng hóa thẩm lậu qua biên giới vào VN nhưng lại ghi rõ trên bao bì là xuất xứ tại VN. Chẳng hạn, tháng 11-2018, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vật liệu xây dựng, ổ khóa từ nước ngoài nhập vào VN nhưng ghi là “Made in VN”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Linh, là do người Việt chuộng hàng Việt. Thế nên nhiều doanh nghiệp tận dụng xuất xứ là “Made in VN” để tiêu thụ nội địa. Thậm chí ở chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) – nơi tiêu thụ chủ yếu hàng TQ nhưng khi Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, hầu hết toàn bộ quần áo, túi xách được dán nhãn “Made in Vietnam”.

Bi hài chuyện giám định khoai tây ngoại nhập - ảnh 1
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết rất khó xử lý tình trạng khoai tây Trung Quốc núp bóng khoai tây Đà Lạt. Ảnh: CAO DIÊN

“Đáng chú ý, ngay cả với hàng hóa phát hiện gắn mác “Made in Vietnam” nhưng lại không phải hàng VN thì lực lượng quản lý thị trường cũng không thể xử lý với “tội” này được. Để xử lý, quản lý thị trường phải đi đường vòng bằng cách xử phạt hàng không có hóa đơn, chứng từ hay đem đi kiểm nghiệm xem đảm bảo chất lượng hay không” – ông Linh nêu thực tế.

Từ đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất các bộ, ngành cần có biện pháp áp dụng công nghệ vào quản lý. “Ví dụ, để xác định rõ nguồn gốc nông sản có phải của VN hay không thì phải truy xuất nguồn gốc, nếu không rất khó. Bộ Công Thương cần đứng ra chủ trì đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào công tác truy xuất nguồn gốc, chống giả mạo xuất xứ hàng hóa” – ông Linh nói.

Mạnh tay chặn gian lận xuất xứ hàng hóa

Ngày 4-7, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Mục tiêu của đề án là nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng VN bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba… 

Cần giám sát đặc biệt nhiều mặt hàng

Hàng nước ngoài nhập khẩu vào VN giả mạo hàng Việt để bán cho người tiêu dùng. Nhưng hàng hóa từ trong nước xuất đi nước ngoài cũng có tình trạng giả mạo xuất xứ VN.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, đánh giá tình trạng gian lận xuất xứ VN để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh thuế cao ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp thực hiện hành vi bất hợp pháp rất tinh vi.

“Họ có thể cung cấp hồ sơ giả mạo để xin C/O hay làm C/O giả, hoặc thành lập doanh nghiệp để xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi giải thể trong khi việc xác minh tương đối phức tạp. Nếu kiểm tra C/O nhưng không đi kiểm tra chi tiết thì khó phát hiện vi phạm. Hiện các quy định và chế tài xử phạt còn nhẹ, đơn cử việc làm giả C/O chỉ bị phạt tối đa 40 triệu đồng, sử dụng C/O giả bị phạt tối đa 50 triệu đồng” – ông Lê Triệu Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng câu chuyện hàng nước ngoài đột lốt xuất xứ VN là câu chuyện nhạy cảm, có nhiều điểm bất thường, phải nghiên cứu, đánh giá về tính chất, mức độ, yêu cầu đặt ra trong quản lý. Bởi vấn đề này sẽ gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc bộ đặc biệt quan tâm đến những nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gia dụng, điện tử… và các thị trường trọng điểm như châu Âu, Canada, Mỹ… và cần có cơ chế giám sát đặc biệt.

“Câu chuyện nông sản nước ngoài đội lốt xuất xứ Đà Lạt là câu chuyện lợi dụng thương hiệu, tâm lý người tiêu dùng để trục lợi. Rõ ràng, điều này đang đặt ra vấn đề phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang xây dựng một thông tư hướng dẫn việc cấp chứng nhận sản xuất tại VN dành cho sản phẩm tiêu thụ tại VN” – Bộ trưởng Tuấn Anh cam kết.

Giày, gỗ… Trung Quốc núp bóng “Made in VN”

Ngày 6-7, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I thuộc Cục Hải quan Hải Phòng cho biết mới đây, Công ty TNHH Lạc Lạc (địa chỉ tại Hà Nội) khai báo làm thủ tục tạm nhập tái xuất lô hàng giày thể thao các loại, xuất xứ VN. Theo đó, tên hàng và vận đơn thể hiện xuất xứ VN, trong khi cảng xếp hàng hóa là cảng Xiamen (TQ). Nghĩa là lô hàng tạm nhập từ TQ nhưng trên sản phẩm lại ghi “Made in VN”.

Mới đây, Tổng cục Hải quan cho biết đã chỉ đạo quyết liệt các cục Hải quan tỉnh, TP tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng TQ đội lốt hàng Việt. Hành vi giả mạo xuất xứ, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp thường xảy ra đối với hàng dệt may, thủy sản, nông sản, gạch men, mật ong, sắt, thép, nhôm, gỗ ép… Điển hình là nhập khẩu hàng hóa từ TQ về VN, sau đó thay bao bì hoặc bỏ bao bì, ghi “Made in VN”, xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Hải quan Mỹ cũng từng phát hiện một công ty có hành vi nhập khẩu mặt hàng gỗ dán từ TQ, sau đó đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và xuất khẩu sang Mỹ với xuất xứ VN. 

Theo Trà Phương/PLO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)