Năm học tới, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) sẽ đưa môn giáo dục văn hóa vào giảng dạy cho học sinh (HS) khối 10 và 11. Đây là trường đầu tiên tại TP.HCM đưa môn này vào chương trình dạy buổi 2, nhằm trang bị cho HS kiến thức văn hóa cần thiết, rèn luyện nhân cách, phát triển toàn diện.
Hiện nay Trường THPT Nguyễn Du rất chú trọng giáo dục văn hóa cho HS. Trong ảnh: HS của trường giao lưu với NSND Bạch Tuyết về nghệ thuật cải lương
Giáo trình giảng dạy bộ môn này được nhà trường phối hợp với Khoa Việt Nam học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) xây dựng, gồm 2 phần: Giáo dục văn hóa truyền thống và giáo dục văn hóa hiện đại, cung cấp những kiến thức nền về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa TP.HCM nói riêng cho HS. Cụ thể, môn học sẽ được triển khai một tuần 2 tiết, bên cạnh những kiến thức khoa học, HS sẽ được trải nghiệm, khám phá về văn hóa trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, xã hội… ThS. Lê Phan Quốc (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết giáo dục văn hóa cho HS là điều cấp bách hiện nay trong nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Thế nhưng, trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn này vẫn chưa thật sự có chỗ đứng, hầu như chỉ dừng ở mức lồng ghép trong một vài chuyên đề nhất định. “Ngày nay, tỷ lệ HS gặp vấn đề khủng hoảng về văn hóa rất lớn. Các em loay hoay trong việc định hướng, phát triển bản thân. Việc đưa môn này vào trường học một cách bài bản, ngay từ đầu mang tính định hướng các em. Không chỉ là văn hóa địa phương mà còn là văn hóa nhiều vùng miền của đất nước. Trên hết, đây còn là động thái để nhà trường giúp HS gìn giữ thuần phong mỹ tục, phù hợp với xu thế hội nhập”, ThS. Quốc nhìn nhận.
Tuy nhiên, điều khác biệt của môn này mà ThS. Quốc kỳ vọng sẽ tạo được sự hứng thú với HS là “sự trải nghiệm tức thì”. “Khác với những môn khoa học khác, đôi khi HS còn có sự mơ hồ trong ứng dụng thực tế. Nhưng ở môn học này, thực tế các em đã được sống trong đó, hàng ngày trải nghiệm trong đó, chỉ là các em chưa có sự hình dung cụ thể. Ví dụ, học về văn hóa giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường và xã hội, các em sẽ tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh hành vi phù hợp”, ThS. Quốc nói.
Chia sẻ về ý tưởng đưa môn giáo dục văn hóa vào nhà trường, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho biết với đặc thù là trường tiên tiến hội nhập, những đòi hỏi về gìn giữ văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc sao cho vừa phù hợp với xu thế, vừa không hòa tan trong thời cuộc là điều mà lãnh đạo nhà trường luôn đau đáu. “Làm sao cho mỗi HS đều trở thành một đại sứ văn hóa, lan tỏa những giá trị đẹp của văn hóa Việt Nam khi bước chân ra nước bạn. Làm sao để hòa nhập mà vẫn không hòa tan”, thầy Phú trăn trở.
Một lý do nữa, theo thầy Phú, hiện những tác động của văn hóa ngoại lai và mạng xã hội khiến nhiều HS sống vội, sống ảo, quên đi những giá trị văn hóa truyền thống cũng là nguyên nhân của việc giáo dục đạo đức cho các em gặp nhiều khó khăn. Nhà trường tận dụng thời gian buổi 2 để giảng dạy môn giáo dục văn hóa cho HS khối 10, 11 trong suốt 35 tuần của năm học. Với mong muốn trang bị cho các em những nền tảng văn hóa, đạo đức cốt lõi. Ngay sau mỗi tiết học, các em sẽ được trải nghiệm thực tế.
Đặt trong bối cảnh tiến tới chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Phú cho hay môn học này hoàn toàn phù hợp. Không chỉ giúp HS trang bị kiến thức, hiểu biết về văn hóa địa phương, phát triển toàn diện mà còn tạo cơ hội để chính thầy cô hoàn thiện bản thân, xây dựng nền văn hóa nhà trường…
Yến Hoa
Bình luận (0)