Tự bật sáng khi có người, báo động lúc bị rò rỉ khí gas hoặc có kẻ trộm vào nhà là tính năng của chiếc đèn đa năng – sáng chế của nhóm học sinh lớp 8/4 Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM). Sản phẩm trên xuất sắc lọt vào vòng chung kết Hội thi Tin học trẻ TP.HCM lần thứ 28 năm 2019.
Các thành viên trong nhóm gồm Vũ Thị Ngọc Hân, Tăng Thanh Hà, Nguyễn Ngọc Vũ Sang
Ý tưởng ra đời từ thực tế cuộc sống
Mặc dù còn ở tuổi ăn, tuổi học, thế nhưng Ngọc Hân, Thanh Hà và Vũ Sang đều nhận thức được hậu quả của sự cố rò rỉ khí gas mang lại. “Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, gây thiệt hại lớn về tài sản, thậm chí còn dẫn đến chết người. Trước nhiều sự việc đau lòng xảy ra, khiến bản thân em cảm thấy bất an. Em luôn nhắc nhở mình nhất định phải làm cái gì đó để hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, một mình thì không đủ sức nên em quyết định chia sẻ với bạn cùng lớp”, Thanh Hà bộc bạch.
Với mong muốn được cống hiến cho cộng đồng, Thanh Hà bàn bạc với Ngọc Hân. Tại đây, hai cô gái nhỏ đã tìm được “người cùng chí hướng”. Bản thân Ngọc Hân cũng nhận thấy nạn trộm cắp tài sản xảy ra quá nhiều. Chúng ra tay nhanh, gọn, lẹ. Trong chớp mắt có gia đình mất tài sản lớn. Nhiều đối tượng hung hăng còn ra tay giết hại gia chủ. Mặc dù báo đài, cơ quan chức năng đã ra sức tuyên truyền giúp người dân đề phòng, tuy nhiên tệ nạn này vẫn xảy ra như “cơm bữa”. Còn Vũ Sang, một chàng trai mê công nghệ, tham gia Câu lạc bộ Sáng tạo của trường từ những ngày đầu tiên. Niềm đam mê như được nhân đôi khi biết hai cô bạn cùng lớp có ý định “làm chuyện đại sự”. Với lợi thế của mình, các em đã ngồi lại hội ý và lên ý tưởng cho chiếc đèn đa năng. Cả nhóm cho biết: “Chiếc đèn này hoạt động bằng pin 5V hoặc có thể dùng cục sạc dự phòng. Bên ngoài đèn có công tắc. Nếu chủ nhà đi vắng có thể bật lên để đèn hoạt động. Khi có người đi ngang qua chiếc đèn, chuông báo động reo to để thông báo là có trộm đột nhập vào nhà. Tuy nhiên, nếu các con vật chạy, nhảy trúng, chuông cũng reo. Đây cũng chính là khuyết điểm của chiếc đèn nhưng chúng em sẽ cải tiến thêm để sản phẩm hoạt động hiệu quả hơn”. Cụ thể, Vũ Sang tiết lộ: “Chúng em sẽ kết nối đèn với điện thoại thông minh. Đồng thời dùng thẻ từ lập trình sao cho chỉ có chủ nhân của chiếc đèn mới bật/tắt được, tránh trường hợp kẻ trộm điều khiển chiếc đèn. Như vậy sẽ an toàn, mọi người có thể quản lý được ngôi nhà ở bất cứ đâu”.
Chiếc đèn có cấu tạo gồm 2 phần: khung và các mạch cảm biến. Bộ khung có hình chữ nhật và được lắp ráp từ những miếng ván ép (được cơ sở gia công đồ mộc bỏ đi). Để sản phẩm đẹp, bắt mắt, ba thành viên trong nhóm chia nhau thiết kế, vẽ hình ảnh lên chiếc đèn. “Ngoài hình chữ nhật, chúng ta cũng có thể thiết kế theo nhiều hình dạng khác nhau như: hình vuông, tam giác… hoặc ngụy trang dưới dạng một bức tranh để vừa có thể bảo vệ ngôi nhà vừa có được tác phẩm nghệ thuật thưởng thức. Dù thiết kế như thế nào cũng không ảnh hưởng đến các mạch bên trong và chức năng của sản phẩm”, Thanh Hà phân tích.
Sản phẩm tích hợp “3 trong 1”
Các mạch điện được lập trình và kết nối với nhau, chiếc đèn có khả năng tự bật – tắt tự động. “Tính năng này do mạch cảm biến ánh sáng tạo nên. Chúng ta có thể đặt đèn ngoài phòng khách hoặc trong nhà vệ sinh. Khi có người đèn tự sáng, lúc không có ai đèn sẽ tắt giúp các hộ gia đình tiết kiệm điện năng. Trước đây khi chưa có chiếc đèn này, muốn đi toilet em phải lò mò bật điện thoại hoặc công tắt điện nhưng bây giờ khỏe hơn nhiều. Các thành viên trong gia đình em cũng rất thích thú với chiếc đèn này”, Thanh Hà phấn khởi cho biết.
Song song với khả năng tự bật sáng, sản phẩm của các em còn được lắp thêm cảm biến khí gas và chống lửa. Lý giải về việc này, Vũ Sang cười nói: “Mỗi mạch đều có chức năng khác nhau. Chẳng hạn như cảm biến khí gas, khi các bà mẹ nấu ăn thường phát hiện đâu đó có mùi gas. Nhưng nhiều người lại ỷ y, không mấy quan tâm vì nghĩ rằng không ảnh hưởng gì. Thế nhưng lại rất tai hại. Khi lượng khí gas bị xì nhiều, trong điều kiện thích hợp sẽ bốc cháy. Cảm biến khí gas sẽ nhận biết và báo hiệu (chuông reo to). Khi ấy, chúng ta sẽ biết sắp xảy ra sự cố cháy và lập tức khóa gas lại hoặc nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục. Về cảm biến khói, cũng tương tự như trên. Trong đêm khuya, mọi người sẽ ngủ mê, nhất là những gia đình có nhà cao tầng, do vậy thường ít khi phát hiện cháy nổ. Khi có đèn đa năng, nó sẽ thông báo, giúp mọi người an tâm”.
Theo nhóm nghiên cứu, để hoàn thành chiếc đèn, các em không tốn kém quá nhiều chi phí. Chỉ cần bỏ ra hơn 100.000 đồng mua thiết bị là có ngay sản phẩm. “Kích thước chiếc đèn do mình tự lắp đặt. Với những chiếc đèn lớn, sẽ được kết nối với loa lớn để âm thanh kêu to. Đây cũng chính là giải pháp chống trộm hiệu quả”, Ngọc Hân khẳng định.
Nhận xét về chiếc đèn đa năng, cô Lương Du Mai (Hiệu trưởng nhà trường) khen ngợi: “Đây là sản phẩm đầu tay của các em. Hiện tượng rò rỉ khí gas trong lúc nấu ăn xảy ra rất thường xuyên, nguy hiểm. Sản phẩm này sẽ hỗ trợ các bậc phụ huynh rất nhiều. Qua đó không chỉ thấy được niềm đam mê của các em mà còn là niềm phấn khởi cho nhà trường”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)