Mức 5 tỷ USD (khoảng 116.300 tỷ đồng) là khoản phạt lớn nhất mà Mỹ áp với một công ty công nghệ do vi phạm quyền riêng tư.
Khoản tiền phạt với Facebook được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài hơn một năm, đánh dấu sự kiện lớn nhất trong lịch sử của cơ quan này. Nếu được bộ phận dân sự của Bộ Tư pháp Mỹ chấp thuận, đây sẽ là hình phạt thực sự đầu tiên đối với Facebook tại Mỹ, theo Wired.
FTC đã mở cuộc điều tra liên quan tới các hoạt động dữ liệu của Facebook vào 3-2018, một tuần sau khi có thông tin về vụ Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook. Điều tra sơ bộ xác định chính sách lỏng lẻo của mạng xã hội này đã tạo điều kiện cho một học giả lấy thông tin mà người dùng không hay biết.
Năm 2011, Facebook cam kết với FTC rằng sẽ không chia sẻ dữ liệu của người dùng với bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của họ. Nó là một phần trong thỏa thuận giải quyết các cáo buộc lừa dối người dùng, bảo mật kém của mạng xã hội này. Tuy nhiên đến tận 2015, Facebook mới thực sự chặn quyền truy cập của Cambridge Analytica.
Khoản tiền phạt 5 tỷ USD với Facebook vượt xa so với kỷ lục trước đây của FTC đối với vi phạm quyền riêng tư. Năm 2012, Google bị phạt 22,5 triệu USD (khoảng 523 tỷ đồng) do chính sách quyền riêng tư trên trình duyệt Safari.
Vụ bê bối Cambridge Analytica đã thúc đẩy nhận thức ngày càng tăng về quyền riêng tư tại Mỹ, khi Facebook và các công ty công nghệ khác liên tục được chất vấn. Quyết định của FTC cũng cho thấy động thái cứng rắn của Chính phủ Mỹ nhằm kiềm chế những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ mà trước đó không bị kiểm soát.
B.Anh
Bình luận (0)