Nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng khi con có kết quả dương tính với khuẩn HP. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng, khi chưa có triệu chứng thì không cần điều trị, phụ huynh không nên lo lắng thái quá.
BS Nguyễn Hồng Vân Khánh – BV Nhi đồng 2 – đang thăm khám cho trẻ
BS bảo không sao nhưng vẫn lo lắng
Tại Khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 1, chị P.N.A.T (Q.Thủ Đức) cho biết, cách đây khoảng 10 ngày chồng chị có biểu hiện khó tiêu, đầy hơi, đau bụng, nôn ói. Khám tại BV Q.Thủ Đức phát hiện bị nhiễm khuẩn HP. Các BS chỉ định phải điều trị nếu không diễn biến nặng hơn có thể gây viêm loét, xuất huyết dạ dày, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Lo lắng các con cũng bị nhiễm khuẩn nên chị T. đã đưa 2 con đến BV kiểm tra. Kết quả cả 2 bé đều dương tính với khuẩn HP. Tuy nhiên các BS cho biết trẻ chưa có triệu chứng nên chưa phải điều trị. Không yên tâm, chị T. tiếp tục đưa con đến BV Nhi đồng 2 và Nhi đồng 1 để khám, kết quả tương tự. Chị T. cho hay: “Đến thời điểm này, tôi đã đi hết 3 BV. Các BS khẳng định, dù trẻ nhiễm khuẩn HP nhưng không có triệu chứng thì không cần điều trị. Tuy vậy tôi vẫn rất lo lắng vì con vi khuẩn này vẫn còn nằm trong cơ thể của các con…”.
Sau khi có kết quả dương tính với khuẩn HP, chị Huỳnh Thị Thu Nguyệt (Q.Bình Thạnh) vội đưa con từ BV Nhi đồng 2 sang BV Nhi đồng 1 để khám lại. Và kết quả không có gì thay đổi.
“Vợ chồng tôi rất hoảng loạn khi nhận được kết quả xét nghiệm này, lo sợ con bị ung thư dạ dày. Hơn tuần nay, vợ chồng tôi phải nghỉ việc để đưa con đến các BV khám. Các BS đều nói, bé không cần phải điều trị nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa thể yên tâm được”.
Cần hiểu đúng về khuẩn HP
ThS.BS Nguyễn Hồng Vân Khánh – Khoa Tiêu hóa, BV Nhi đồng 2 – cho biết, theo số liệu thống kê có đến 80% dân số Việt Nam bị nhiễm khuẩn HP, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên hiện nay nhiều người dân còn chưa hiểu đúng và chính xác về chủng vi khuẩn này dẫn đến lo sợ thái quá. Không phải cứ xét nghiệm cho trẻ ra kết quả dương tính với khuẩn HP là buộc phải điều trị. Đó là quan niệm hoàn toàn sai. Vì nếu điều trị không đúng có thể dẫn đến tình trạng HP kháng kháng sinh ở trẻ. Thực tế hiện nay tình trạng HP kháng kháng sinh ở trẻ đã gia tăng đến mức báo động.
Nghiên cứu của BV Nhi đồng 2 thực hiện trên trẻ trong độ tuổi từ 2-15 tuổi, cho thấy tỷ lệ kháng nguyên phát của HP đối với clarithromycin là 73%, metronidazol là 25%. Trong khi đó các kháng sinh tetracyclin và levofloxacin có tỷ lệ kháng thấp hơn nhưng chống chỉ định cho trẻ bởi chúng gây ra những nguy hại trên hệ xương, sụn của trẻ.
“Nếu xét nghiệm ra kết quả trẻ dương tính với nhiễm khuẩn HP nhưng trẻ không có triệu chứng thì không nên lo lắng và cũng không cần điều trị”, BS Khánh nhấn mạnh.
BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 – cũng cho biết, hiện nay thông tin trẻ nhiễm khuẩn HP đang trở nên rất “bát nháo”, nhiều phụ huynh tự ý đưa con đi xét nghiệm khi thấy con có các triệu chứng như đau bụng, nôn hoặc trong gia đình có người bị nhiễm khuẩn HP. Điều đáng lo ngại là họ không đến khoa tiêu hóa của các BV nhi mà đến những phòng khám tư nhân. Tại đây họ bị các BS, nhân viên y tế “vẽ” bệnh và tự ý đưa ra các xét nghiệm về nhiễm khuẩn HP ở trẻ. Điều này khiến phụ huynh bấn loạn hơn và buộc phải điều trị cho trẻ khi chưa cần thiết, gây lãng phí và có hại cho sức khỏe của trẻ.
BS Khanh khuyến cáo: “Phụ huynh chỉ nên làm xét nghiệm nhiễm khuẩn HP cho trẻ khi có chỉ định của BS hoặc khi thấy trẻ có các triệu chứng như nóng rát ở vùng ngực dai dẳng, đau bụng âm ỉ kéo dài, sụt cân, đầy hơi, buồn nôn và nôn… Việc xét nghiệm phải được thực hiện tại các chuyên khoa tiêu hóa, hoặc các chuyên khoa nhi của BV nhi. Không nên tự ý đưa trẻ đến các phòng khám tư nhân để làm xét nghiệm cho trẻ”.
Khuẩn HP thường lây nhiễm qua tiếp xúc cá nhân, dùng chung các dụng cụ trong ăn uống hoặc các thực phẩm ôi thiêu, không hợp vệ sinh. Trong số các con đường lây nhiễm này, lây truyền từ người sang người là phổ biến nhất. Để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP cần thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, ăn chín uống sôi, tránh dùng chung các dụng cụ cá nhân…
Bài, ảnh: Hoài Thương
Bình luận (0)