Sợ là một tâm lý của con người. Con người khi đã chai lì không còn biết sợ ai nữa thì dám làm những chuyện “tày đình” gây hậu họa cho người khác, gia đình, đất nước… Vậy, một trong những nội dung giáo dục đạo đức cho các em học sinh là dạy “biết sợ”, một nội dung bị bỏ quên bấy lâu nay và chính vì vậy tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, pháp luật ngày càng nhiều. Thực tế chưa có mẫu giáo án nào về chuyện giáo dục này. Vậy tôi xin đưa ra một số gợi ý để thầy cô tham khảo.
Để học sinh biết sợ thầy cô mà vâng lời chỉ bảo, thì: Thầy cô phải là một tấm gương sáng, nhân hậu, luôn công bằng với trò, chuyên môn giỏi vững vàng, có uy tín, lấy thái độ vui vẻ gần gũi với trò là chính. Một học sinh có lỗi thì phạt, phê bình. Tùy theo lỗi mà phạt nặng nhẹ, nhưng không được đánh đập bầm dập thân thể học sinh, nhiếc mắng, lăng nhục các em cho hả giận. Với học sinh “cá biệt” luôn quan tâm. Có hình phạt thích đáng (phê bình dưới cờ, đuổi học ba ngày, thông báo về gia đình, địa phương…), nhưng những em này có thành tích, công trạng gì đó phải ưu tiên khen ngay để khích lệ các em. Chọn những mẩu chuyện có nội dung “nhân quả” kể cho các em nghe (hoặc băng video chiếu xem) để các em thấy làm điều ác nhất định phải nhận sự trừng phát thích đáng. Cho các em làm những bài viết, bài trả lời với các loại đề ra có nội dung “biết sợ”. Ví dụ: Theo em, đánh bạn có nên không? Hay: Thầy cô bảo các em về nhà học thuộc bài, em không học có được không?…
Phê bình, kỷ luật một học sinh dưới cờ toàn trường, trên bục giảng trong phạm vi lớp còn là để các em biết sợ mà không vi phạm như bạn. Báo trước cho các em mắc lỗi lần vi phạm thứ hai phải chịu hình thức kỷ luật gì để các em sợ mà không lặp lại. Từng tuần, từng tháng thường xuyên đọc lại các nội quy nhà trường hoặc bắt học sinh học thuộc có kiểm tra dò bài để các em ghi nhớ. Giáo viên phân tích giảng giải cho học sinh hiểu các “tội phạm” quan trọng trong nội quy…
Trần Huy Liệu
(nguyên giáo viên Trường THPT
Trần Cao Vân, Quảng Ngãi)
Bình luận (0)