Đó là câu chuyện cảm động về “ông Bụt” giữa đời thường – họa sĩ Võ Văn Y (70 tuổi, nguyên là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM), người đã “hiến dâng” tuổi xế chiều của mình cho những đứa trẻ khiếm thính…
Họa sĩ Văn Y đang dạy cho người khiếm thính vẽ
Một quả táo; Bên dòng suối; Tan trường; Biển và đảo; Cội nguồn; Đi lễ chiều; Khoảng lặng; Tĩnh vật… là tranh được vẽ bằng chất liệu Arcylic của những “họa sĩ” khiếm thính thuộc Câu lạc bộ Âm thanh hội họa (hẻm 776/4A, đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Tuy những bức tranh này không được hoàn hảo 100% nhưng đều chất chứa nỗi niềm, cảm xúc và cả bầu trời hy vọng về một tương lai tốt đẹp của những đứa trẻ không lành lặn.
Để có được những bức tranh đó, ngoài nghị lực và tinh thần của các em thì phía sau còn có bàn tay của họa sĩ Võ Văn Y.
Giúp người bằng nét vẽ
Trong một lần tình cờ thấy các em khiếm thính múa ký hiệu ở công viên, trước mặt là thùng tiền cầu mong sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Xúc động trước cảnh tượng này, tháng 4 năm 2017, họa sĩ Văn Y thuê một căn nhà nhỏ rồi tập hợp các em kém may mắn về dạy vẽ. “Hiện câu lạc bộ có tổng cộng 20 thành viên. Em nhỏ nhất là 17 tuổi. Trước đây, các em làm nhiều nghề khác nhau như: bưng bê cho các quán ăn; tưới vườn… nói chung là ai thuê gì thì làm nấy. Do bị khiếm khuyết, không nghe, nói được nên phần lớn đều bị mặc cảm, trầm cảm, xa rời cộng đồng… Khi đi làm thuê chủ cũng e ngại. Có người thương giúp đỡ được vài tháng cũng trả về rất tội nghiệp. Thiết nghĩ bây giờ con cái của mình đã lớn và có cuộc sống riêng, mình thì không còn vướng bận điều gì trong khi đó các em rất cần được che chở. Nghĩ vậy mà ông quyết định “hiến dâng” tuổi xế chiều của mình cho các em” – họa sĩ Văn Y nói về quá trình ra đời của câu lạc bộ.
Trong không gian chỉ khoảng 20m2, 20 con người câm, điếc cần mẫn pha màu học vẽ. Từ những nét vẽ “vô hồn”, qua bàn tay huấn luyện của người “cha đỡ đầu” chỉ trong một thời gian ngắn các em đã vẽ thuần thục. “Tôi chỉ muốn để các em thoải mái với những hộp màu, cây cọ, mong sao các em có thể giải tỏa hết những ức chế trong tâm hồn. Nhưng sau đó, thấy một số em có năng khiếu, vẽ đẹp nên tôi đã đầu tư thêm dụng cụ vẽ. Dù khiếm khuyết nhưng các em có năng khiếu. Trời lấy đi của ai cái gì thì sẽ cho lại họ cái khác” – họa sĩ Văn Y nói.
Với người họa sĩ, việc dạy cho học viên bình thường đã khó, dạy cho người khiếm thính lại càng khó hơn. Vậy mà suốt 2 năm qua, họ đã âm thầm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được một số thành quả. “Phần lớn các em đều câm điếc nên khi mình muốn truyền đạt gì phải viết ra giấy. Cái may mắn là các em ở đây điều biết chữ. Dần dần thầy trò hiểu nhau hơn, chỉ cần ra dấu là các em biết thầy muốn nói gì” – người họa sĩ U70 cầm cây cọ quệt lại vài chỗ các em vẽ chưa lên màu cho biết.
Thay đổi cuộc đời người khiếm thính
Từ khi được thầy Văn Y chỉ dạy, hơn 300 bức tranh đã được “ra lò”. Chủ đề của tranh rất phong phú đa dạng. Các em nghĩ gì, hiểu gì thì vẽ đó. “Không chỉ ngồi một chỗ vẽ, chúng tôi còn cho các em đi ra ngoài thực tế. Có nhiều tác phẩm được vẽ y như cảnh thật. Thông qua những hình ảnh được vẽ, tôi còn mô tả về âm thanh, màu sắc và sự vận động của vật thể để các em có thể cảm nhận được âm thanh mà từ trước tới giờ các em không thể nghe được” – cô Bích Ngân (người đồng hành cùng họa sĩ Văn Y giúp đỡ các em) chia sẻ.
Nhờ sự tận tâm của hai họa sĩ, số phận của các em được lật sang trang mới. Những người vẽ được đều có công việc ổn định tại các xưởng mộc, gốm, gia công mỹ nghệ… mỗi ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng. Với những người khác đây không phải là số tiền nhiều nhưng với người khuyết tật thì dư sức để họ nuôi sống bản thân. “So với trước đây, các em biết tự chủ và hòa nhập với xã hội. Có em vẽ rất đẹp, bán được nhiều tranh” – họa sĩ Văn Y vui mừng.
Họa sĩ Văn Y trong chương trình “Khoảnh khắc cuộc đời” Tôi chỉ muốn để các em thoải mái với những hộp màu, cây cọ, mong sao các em có thể giải tỏa hết những ức chế trong tâm hồn. Nhưng sau đó, thấy một số em có năng khiếu, vẽ đẹp nên tôi đã đầu tư thêm dụng cụ vẽ. Dù khiếm khuyết nhưng các em có năng khiếu. Trời lấy đi của ai cái gì thì sẽ cho lại họ cái khác” – họa sĩ Văn Y nói. |
Trong số người khiếm thính ở đây, có một bé gái vô cùng nghị lực. Nhà em ở rất xa thành phố. Cha mẹ vì thương con, sợ con gặp nguy hiểm. Nhưng em không chấp nhận số phận. Rồi trong một lần tình cờ, em biết được Câu lạc bộ Âm thanh hội họa và xin vào. Bằng sự cố gắng, không bao lâu nét vẽ của em rất thuần thục, bán được rất nhiều tranh. Thấy con gái chứng minh được sự trưởng thành của mình, cha mẹ em đã dần thay đổi suy nghĩ. Đến nay, em đã hoàn toàn sống tự lập.
Ngoài học vẽ, các em còn được một tình nguyện viên tên Phạm Đoàn Khiêm (Trường ĐH Mỹ thuật) dạy về luật pháp thông qua các ký hiệu ngôn ngữ. Người này cũng có số phận giống như các em – khiếm thính.
Giờ đây, một số thành viên trong câu lạc bộ đã được Hội Mỹ thuật TP.HCM công nhận là họa sĩ khuyết tật. “Chúng tôi không chỉ muốn các em tự chủ mà còn học được nhân cách sống, vì ngoài đời có rất nhiều người khổ hơn mình” – họa sĩ U70 tâm huyết.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)