Theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019, Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú, TP.HCM) có 2 học sinh đạt điểm 10 ở môn tiếng Anh và giáo dục công dân. Đây là năm đầu tiên nhà trường có được vinh dự này.
Minh Ngọc (trái) và Thảo Nhi cùng có chung sở thích đọc sách
Theo đó, thí sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh là Lâm Nguyễn Minh Ngọc (cựu học sinh lớp 12A2) và thí sinh đạt điểm 10 môn giáo dục công dân là Nguyễn Thị Thảo Nhi (cựu học sinh lớp 12A14).
Hãy thổi niềm đam mê vào môn học
Đây là chia sẻ được em Lâm Nguyễn Minh Ngọc bật mí khi chúng tôi hỏi về bí quyết học giỏi môn tiếng Anh. Theo Minh Ngọc, tiếng Anh vốn là môn học “khó ưa” với nhiều học sinh bởi sự trúc trắc trong cấu trúc, từ vựng. Để học được môn này, điều đầu tiên là phải có được tình yêu, sự say mê với môn học, biết cách đưa những niềm say mê khác của mình vào trong chính môn học. “Ví dụ như bạn thích khám phá về game, về thời trang, trang điểm hay thậm chí là cày phim thì nên cố gắng làm sao lồng tiếng Anh vào trong những đam mê đó. Hãy thử tìm hiểu những đam mê đó bằng tiếng Anh từ những video trên Youtube. Với bản thân, em rất thích nấu ăn nên cũng thường xuyên tiếp xúc với những clip nấu ăn bằng tiếng Anh. Như vậy em vừa thỏa mãn được sở thích, vừa học tiếng Anh một cách tự nhiên, không miễn cưỡng”, Minh Ngọc cho biết.
Một phương pháp khác cũng hữu ích trong việc hỗ trợ học tiếng Anh được Minh Ngọc đề cập đến là phương pháp học nhóm. Theo Minh Ngọc, phương pháp học tập truyền thống này hữu dụng trong tất cả các môn học và tiếng Anh cũng không ngoại lệ, giúp chúng ta tìm kiếm được sự hỗ trợ từ bạn bè. Nhiều khi chính những kiến thức từ các buổi học nhóm lại theo chúng ta vào phòng thi. “Quan trọng nhất để có thể học tiếng Anh một cách nghiêm túc, bài bản đó là khi bạn đặt ra được mục tiêu trong môn học. Có thể đó là việc săn học bổng; vào một trường ĐH danh giá; hay đơn giản là học để biết thêm một thứ tiếng. Bất cứ mục tiêu nào cũng được nhưng nhất định bạn phải có được một lý do để mình theo đuổi, tập trung trong môn học”, Minh Ngọc nhấn mạnh.
Về phương pháp học tập trong môn học, Minh Ngọc chia sẻ phần nhiều em tự học là chính. “Về nhà phải ôn lại bài vở. Cố gắng khắc phục những lỗi sai sau mỗi bài kiểm tra. Thông thường, bài đọc hiểu luôn khiến các bạn gặp khó khăn. Thế nhưng, em luôn quan niệm đây là phần bài tập giúp trang bị cho mình thêm những kiến thức ở nhiều lĩnh vực từ đời sống, xã hội đến khoa học. Đồng thời, phần từ vựng trong bài tập đọc hiểu cũng giúp mình nắm thêm cách sử dụng từ. Khi học tiếng Anh, đừng lúc nào cũng chăm chăm tra từ điển mà nên học cách đoán từ trong ngữ cảnh. Đến khi làm xong hãy tra lại từ điển, như thế sẽ dễ ghi nhớ từ và nghĩa. Bản thân em cũng tích cực tham gia CLB Tiếng Anh của trường. Đây là sân chơi để em vừa tích lũy thêm vốn kiến thức học hỏi từ bạn bè, vừa trang bị thêm nhiều kỹ năng cần thiết”, Minh Ngọc cho biết.
Ngoài điểm 10 môn tiếng Anh, trong tổ hợp khối D, Minh Ngọc cũng đạt số điểm ấn tượng: Toán 7,4 điểm; văn 7 điểm. Tuy nhiên, Minh Ngọc cho hay em đã đậu vào ngành tài chính kế toán ĐH Việt Đức với số điểm 96/130 thông qua kỳ thi riêng của trường trước khi có điểm thi THPT quốc gia. “Thời gian tới, em sẽ tham gia thi IELTS, cố gắng dành học bổng ở trường ĐH để giảm áp lực học phí cho gia đình”, Minh Ngọc bật mí.
Giáo dục công dân giúp định hướng bản thân
Đạt điểm 10 môn giáo dục công dân trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhưng Nguyễn Thị Thảo Nhi lại cho biết, môn học này bản thân em học khá nhẹ nhàng, hầu như chỉ học ở trên lớp: “Em luôn bám sát SGK, ghi nhớ những kiến thức mà giáo viên giảng trong từng tiết học”. Theo Thảo Nhi, giáo dục công dân là môn học khá sát với cuộc sống. Kiến thức trong môn học có thể bắt gặp trong bất cứ tình huống nào của cuộc sống, thậm chí là gắn liền với những quyền lợi sát sườn của bản thân. “Khi xem những thông tin xã hội trên báo chí hay ti vi, em luôn cố gắng phân tích xem với tình huống này thì mức độ vi phạm như thế nào, nhân vật này có quyền lợi gì, nhân vật kia sẽ chịu mức vi phạm nào…”, Thảo Nhi nói.
Với Thảo Nhi, môn giáo dục công dân giúp bản thân nắm được nhiều kiến thức cơ bản trong cuộc sống như Luật Giao thông đường bộ; hiểu được các quyền cơ bản của công dân; các vi phạm về dân sự, hình sự thường gặp trong cuộc sống để nghiêm khắc hơn với bản thân sống theo khuôn khổ của pháp luật, sống một cách có trách nhiệm đối với những việc mình làm. “Đơn giản như chấp hành đúng quy định nghiêm cấm học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường hay không vượt đèn đỏ, không xả rác bừa bãi…”, Thảo Nhi cho biết.
Tuy nhiên, theo Thảo Nhi, nhiều bạn bè em lại “khá ngán” khi học giáo dục công dân bởi sự nhàm chán, thậm chí là chưa thật sự coi trọng môn học. “Giáo dục công dân không chỉ là một môn KHXH mà còn như một kênh thông tin cung cấp những kiến thức về luật rất hữu ích trong cuộc sống của mỗi người, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, học sinh THPT. Để có thể học môn học này một cách nghiêm túc, trước hết các bạn phải hiểu được giá trị, tầm quan trọng của môn học mang lại”, Thảo Nhi nhìn nhận. Bên cạnh đó, Thảo Nhi cũng cho rằng phương pháp dạy giáo dục công dân tại các nhà trường cũng cần phải có sự đổi mới, theo hướng sinh động, lồng ghép nhiều hơn các tình huống từ chính thực tiễn cuộc sống để thu hút học sinh với môn học.
Đạt điểm 10 môn giáo dục công dân nhưng Thảo Nhi lại lựa chọn khối D trong xét tuyển ĐH. Số điểm của em trong tổ hợp nào cũng ở mức khá: Văn 7 điểm; toán 6 điểm và tiếng Anh 6,8 điểm. Thảo Nhi dự định sẽ xét tuyển vào ngành quản trị lữ hành Trường ĐH Văn Lang để thỏa mãn niềm đam mê về du lịch của mình. “Điểm 10 môn giáo dục công dân sẽ là một cột mốc đáng nhớ trong đời học sinh của em. Còn thời gian tới, em sẽ cố gắng học tiếng Anh, đặt mục tiêu giành học bổng và biết 2 thứ tiếng là tiếng Anh và tiếng Trung”, Thảo Nhi bày tỏ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)