Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Một học sinh đặc biệt!

Tạp Chí Giáo Dục

Em Nguyễn Văn T. là một học sinh dễ gây ấn tượng cho người gặp vì em có đôi mắt rất đẹp. Nó tròn xoe, long lanh và đen nhánh như hai hạt nhãn nằm dưới hàng lông mi cong vút. Nhưng T. lại còn gây ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa vì em là con của một giang hồ khét tiếng, từng mang án hình sự của quận… Thừa hưởng “gen” của ba, em cũng thích gây sự, đánh nhau và sẵn sàng sử dụng hung khí khi cần phải chiến thắng đối phương.

Ba em gây trọng án vào tù, mẹ đi lấy chồng khác, T. sống đời tự do, không ai quản lý trong suốt một thời gian dài. Sau khi mãn hạn tù, nhận thức sự học là cần thiết cho con nên ba của T. đã xin cho em học lại lớp 6, năm thứ hai. Dù nhiều giáo viên biết chuyện gia đình em, đã can ngăn, nhưng cô hiệu trưởng không nỡ chối từ mà sẵn sàng tiếp nhận để giúp một đứa trẻ nên người. Cô thầm nghĩ: “Với hoàn cảnh gia đình như vậy, nếu không được tiếp tục giáo dục, T. sẽ “nối nghiệp” ba em một ngày không xa. Nhưng từ khi trở lại trường, T. liên tục gây ra bao điều rắc rối. Cứ vài hôm là nghe giám thị báo tin em đánh bạn, có khi gây thương tích, đổ máu… Trường mời phụ huynh đến để giải quyết thì càng rắc rối hơn. Phụ huynh chẳng những bênh con mà còn lớn tiếng quát nạt, la lối thầy cô giáo. Nhìn thấy phụ huynh với nhiều hình xăm và vết sẹo đầy người, thầy cô ai nấy đều ngán sợ. Cuối năm học ấy, T. phải thi lại hai môn, kết quả bài thi lại của em không đủ điểm, em phải ở lại lớp 6. Khi nhà trường thông báo, ba em không chịu công nhận kết quả này và hung hăng, nóng nảy đòi nhà trường phải chấm phúc khảo bài thi lại. Cô hiệu trưởng đồng ý cho chấm phúc khảo và kết quả vẫn không thay đổi.

Phụ huynh được tin, lần này đến trường, thay đổi thái độ, xuống nước năn nỉ. Ông nghẹn ngào nói trong cơn xúc động: “Đời tôi đã coi như đã hết, chỉ trông mong nơi đứa con trai. Xin ban giám hiệu nhà trường xem xét cứu giúp cho con tôi được lên lớp, vì nếu ở lại nó sẽ nản lòng mà bỏ học. Không được giáo dục tiếp, nó sẽ hư hỏng!”. Nói xong ông quỳ sụp xuống lạy và khóc nức nở. Cô hiệu trưởng vô cùng bối rối, vội đỡ ông đứng lên và tìm cách hoãn binh, hẹn ông sẽ trả lời trong ngày gần nhất.

Nhưng thông tư xếp loại học sinh đã quy định rõ ràng, cô biết phải làm sao đây? Nếu chiếu cố trường hợp này sẽ không công bằng đối với những học sinh khác. Nếu giúp em T. không đủ điểm được lên lớp, thì những phụ huynh có con trường hợp tương tự biết tin sẽ đến khiếu nại, xin xem xét, như thế sẽ rắc rối và dễ nảy sinh suy nghĩ không hay về nhà trường. Nghĩ thế, cô thống nhất với cô phó hiệu trưởng, dù phụ huynh như thế nào đi nữa, cứ theo đúng quy chế mà làm.

Cô hiệu trưởng bấm bụng mời phụ huynh em T. đến trao đổi. Các thầy cô trong trường lo lắng, nhờ công an khu vực, phường đội âm thầm đến bảo vệ bên ngoài vì sợ ông phụ huynh giang hồ, có tiền án này, không đạt nguyện vọng sẽ nổi nóng, sinh chuyện không hay. Cô hiệu trưởng kiên trì giải thích với phụ huynh, nhà trường đã xét học sinh lên lớp đúng theo thông tư của ngành. Em T. vì mất căn bản trầm trọng nên không được lên lớp. Ban giám hiệu nhà trường biết được hoàn cảnh của gia đình sẽ phân công giáo viên cứng tay nghề theo sát giúp đỡ T. trong hè để em theo kịp bạn bè trong năm học mới. Cô còn hứa sẽ cùng các thầy cô sâu sát uốn nắn hành vi, đạo đức để em trở thành người tốt. Phụ huynh nghe giải thích xong, chấp nhận kết quả với lòng tin nhà trường sẽ giúp đỡ, giáo dục con ông. Đúng như thế, em T. sau đó đã tiến bộ rõ rệt và học tập đàng hoàng đến hết năm lớp 9. Thầy cô rất vui và hạnh phúc vì đã giúp một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nên người.

An Nhiên

 

Bình luận (0)