Du học Pháp là giấc mơ của rất nhiều học sinh Việt Nam. Vậy cần chuẩn bị gì để giấc mơ đó không bị lỡ dở. Nhằm giải đáp câu hỏi này, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam vừa phối hợp với Hội Sinh viên (SV) Việt Nam tại Pháp (UEVF) tổ chức Diễn đàn du học Pháp lần thứ 14 năm 2019 tại TP.HCM.
Các cựu SV chia sẻ kinh nghiệm du học tại Pháp
Tại đây, các cựu SV du học tại Pháp đã giải đáp những thắc mắc của học sinh sắp xa gia đình đi du học xung quanh vấn đề tâm lý, nhà ở, chi tiêu, phương pháp học tập…
Chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi lên đường
Chia sẻ về những lo lắng trước khi đi du học, hầu hết cựu SV đều cho rằng để hạn chế tối đa những rủi ro trước khi lên đường, quan trọng nhất là phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết, tài chính và một tâm lý thật vững. “Dù bạn có vốn tiếng Pháp vững thế nào thì những rào cản về ngôn ngữ có thể sẽ là trở ngại đầu tiên khiến giấc mơ du học Pháp của bạn bị khựng lại. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn đã sẵn sàng tâm lý để đón nhận những rào cản đó”, Vân Thanh (cựu SV ngành dược) chia sẻ. Còn Minh Thanh (cựu SV ngành thống kê tài chính) lại cho rằng điều từng khiến bản thân bạn lo lắng nhất trước khi sang Pháp du học chính là vấn đề nhà ở. Bởi theo Minh Thanh, khác với SV Việt Nam, vấn đề nhà ở tại Pháp liên quan đến tất cả các thủ tục hành chính ở nước này từ làm giấy tờ, đăng ký nhập học, gia hạn visa… “Việc xin visa tại Pháp đòi hỏi bạn phải xác định được nơi cư trú ở nước này. Trong khi đó, ở khách sạn không phải là một giải pháp tối ưu. Vấn đề là phải tìm được một hợp đồng nhà ở để giải quyết bài toán xin visa một cách lâu dài”, Minh Thanh cho biết.
Mang những gì sang Pháp?
“Mang gì sang Pháp?”, câu hỏi tưởng rất đơn giản nhưng lại khiến không ít du học sinh đau đầu, lúng túng. Giải đáp câu hỏi này, An Xuân (cựu SV ngành thời trang) cho rằng trước khi sang Pháp, du học sinh thường có tâm lý mang theo thật nhiều sách tiếng Pháp để học tiếng, để giao tiếp, để tra từ… Thế nhưng, lời khuyên được An Xuân đưa ra là không nên mang sách tiếng Pháp trong hành lý. Bởi sẽ nặng hành lý và thường là không đụng đến khi ở Pháp. “Nếu có nhu cầu học tiếng Pháp, các bạn nên lưu các tài liệu dưới dạng file mềm, vừa nhẹ nhàng lại thuận tiện. Đồng thời, các bạn cũng không nên mang quá nhiều quần áo ấm, chỉ nên mang 1 đến 2 bộ mặc trong thời gian đầu, bởi ở Pháp, đồ ấm rất đa dạng và giá thành cũng không quá đắt đỏ”, An Xuân chia sẻ.
Vân Thanh bổ sung, với quần áo ấm khi mang theo thì nên hút chân không để hạn chế diện tích vali. Đồng thời, trong hành trang khi sang Pháp du học nhất định không được thiếu… thuốc men. “Các bạn hãy mang mỗi thứ một chút, những loại thuốc mà trong năm mình hay sử dụng. Một thứ nữa các bạn cũng phải nhớ bỏ vào vali đó là ổ cắm truyền điện bởi ở Pháp các ổ cắm rất khác với Việt Nam, các bạn sẽ rất khó sử dụng. Điều nữa là nên mang theo một số thức ăn khô để sử dụng trong quá trình thích nghi với đồ ăn Pháp”, Vân Thanh lưu ý.
Về mặt tài chính, theo các cựu SV, tốt nhất là để tiền trong thẻ tín dụng hoặc nếu mang theo tiền mặt thì không nên mang quá nhiều. “Thứ quan trọng nhất khi mang theo sang Pháp đó chính là các loại giấy tờ cần thiết. Các bạn hãy photo rồi công chứng và scan ra lưu trên mạng tất cả những loại giấy tờ. Riêng giấy khai sinh thì bắt buộc phải được dịch và công chứng ở Pháp. Hình thẻ cũng là thứ không thể thiếu trong hành trang du học. Hãy chuẩn bị sẵn nhiều tấm hình kích cỡ khác nhau để thuận tiện trong việc sử dụng. Lưu ý là ở Pháp, nền thẻ ảnh là màu trắng, vì vậy các bạn phải chú ý khi chuẩn bị…”, Nguyễn Phan Bảo Thụy (Phó Chủ tịch UEVF) nhấn mạnh.
Việc đầu tiên nên làm khi sang Pháp?
Theo An Xuân, việc đầu tiên mà du học sinh cần làm ngay khi đặt chân sang Pháp là… ký hợp đồng thuê nhà. Sau đó, tìm một ngân hàng gần nhà để mở tài khoản. “Để ký hợp đồng thuê nhà, các bạn nên tìm hiểu thật kỹ trước khi ký bởi nhà ở liên quan đến cuộc sống sau này. Tài khoản ngân hàng sẽ giúp bạn nhập học, mua sim điện thoại. Đăng ký trợ cấp nhà, bảo hiểm nhà cũng phải làm ngay sau khi có hợp đồng nhà, không nên trì hoãn”, An Xuân khuyên.
Về việc làm tài khoản ngân hàng, An Xuân cho biết thêm, ở Pháp để mở được tài khoản bạn phải đặt lịch hẹn trước. Chỉ khi nào bạn có mã RIP từ tài khoản ngân hàng mới có thể đăng ký nhập học được. Bởi tài khoản ngân hàng có liên hệ mật thiết với các thông tin cá nhân của bạn như nhà ở, số điện thoại, địa chỉ email. Vì thế, các bạn hãy hạn chế thay đổi sim điện thoại hay sử dụng các tài khoản ảo. Nếu trong quá trình học có thay đổi địa chỉ cư trú thì cần phải đến ngân hàng để thay đổi.
Ngoài ra, Công Danh (cựu SV ngành kinh tế) cũng nhắc du học sinh cần thiết nên gia hạn visa trước 3 tháng khi visa hết hạn. “Ở Pháp, đặt gia hạn visa rất khó, nhất là ở các thành phố lớn. Do đó, các bạn hãy đặt lịch hẹn trước khi có thể. Và nhớ là khi đến thì phải mang đầy đủ những giấy tờ mà Sở Cảnh sát yêu cầu để không phải đặt lại lịch hẹn một lần nữa. Tuy nhiên, nếu không rành, các bạn có thể liên hệ với UEVF tại thành phố mình học tập để được hỗ trợ”, Công Danh cho biết.
Học như thế nào?
Lời khuyên được các cựu SV đưa ra về phương pháp học tại Pháp là hãy mạnh dạn và cởi mở, không ngại nói rằng mình chưa hiểu bài. Ghi âm bài giảng không phải là phương án tốt với du học sinh. Bởi kinh nghiệm thường thấy là các băng ghi âm về sau không được nghe lại, hoặc nếu có nghe lại cũng không hiểu giảng viên nói gì. “Các bạn cố gắng tập trung nghe giảng. Ghi nhanh lại những từ khóa, những kiến thức quan trọng. Đồng thời, các bạn nên cởi mở, làm quen với bạn bè để tìm kiếm sự hỗ trợ. Nhất là mạnh dạn nói rằng “mình chưa hiểu” với giảng viên, hoặc thậm chí là đề nghị giảng viên giảng lại bài. Một chi tiết nhỏ nhưng rất hữu ích là khi đến lớp, các bạn nên ngồi ở những hàng ghế đầu để thuận tiện trong việc theo dõi bài giảng”, Bảo Thụy chia sẻ.
Một điều nữa trong câu chuyện học như thế nào tại Pháp được các cựu SV đặc biệt lưu ý là không được gian lận trong thi cử, kiểm tra tại Pháp. “Các bạn đừng bao giờ nghĩ đến chuyện quay cóp ở Pháp. Dù là mang từ điển vào phòng thi, các bạn đừng nghĩ rằng người Pháp họ không biết tiếng Việt nên ghi tài liệu bằng tiếng Việt lên từ điển. Tốt nhất hãy xóa những ghi chú trong cuốn từ điển trước khi mang vào phòng thi. Không làm được bài, các bạn hãy để giấy trắng để lần sau thi lại. Nếu quay cóp để bị bắt, các bạn sẽ ngay lập tức bị trả về nước và 5 năm sau mới được quay trở lại Pháp”, Bảo Thụy nhắc nhở.
Theo Bảo Thụy, các bài kiểm tra ở Pháp thường là “dạy gì ra đó”. Vì thế, chỉ cần các bạn chú ý nghe giảng, chăm chỉ ôn bài thì vượt qua được các kỳ kiểm tra là không khó.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)