HS mầm non trải nghiệm với vệ sinh môi trường
Mấy ngày qua, trên mạng xã hội cũng như phương tiện truyền thông chia sẻ về lá thư của cô học trò Nguyễn Nguyệt Linh (lớp 5M2, Trường Marie Curie, Hà Nội) gửi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang với thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Thư của Nuyệt Linh có nội dung:
Kính thưa thầy/cô Hiệu trưởng.
“Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên lớp 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, Trường Marie Curie Hà Nội.
Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilong, tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.
Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể dừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh – giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ”.
Con xin chân thành cảm ơn!
Bức thư trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi mùa tựu trường đang đến gần. Lãnh đạo một số trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh cả nước bày tỏ quan điểm “không có bong bóng bay cũng chẳng làm mất đi ý nghĩa của ngày khai trường”. Điều này ai cũng hiểu rõ, cũng nghĩ tới nhưng từ bỏ thói quen màu mè, sang trọng, hình thức ấy là không dễ. Đáng nói, chẳng mấy ai hiểu việc thả bóng bay lên trời sẽ đe dọa môi trường như thế nào trong tương lai gần.
Nhận thư, thầy Hiệu trưởng hồi âm với nội dung:
“Nguyệt Linh thân yêu! Thầy vừa được đọc lá thư của con, do một người thân gửi đến, thầy bất ngờ và xúc động vô cùng. “Không thả bóng bay lên trời để bảo vệ môi trường!”. Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và sâu sắc. Việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường ta và các nơi khác đã thành một thói quen “sang trọng”. Nhưng không mấy ai nghĩ đến hệ lụy mà cô học trò bé nhỏ của thầy đề cập trong thư. Đó là kết quả thật đáng tự hào của nhà trường, gia đình và xã hội trong sự giáo dục thế hệ chúng con” – công dân thế kỷ 21.
Trong thư, thầy Khang cũng khẳng định: “Chắc chắn thầy và tất cả thầy cô trong trường ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng năm học sắp đến sẽ không còn bóng bay thả lên trời nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều. Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con. Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng…”.
Từ lá thư của Nguyệt Linh gửi thầy hiệu trưởng nghĩ đến chuyện dạy trẻ bảo vệ môi trường. Lâu nay, hàng năm cơ quan, ban ngành, đoàn thể các địa phương tổ chức nhiều đợt phát động, tuyên truyền bảo vệ môi trường, trong đó nhà trường thường được chọn để tổ chức các hoạt động “hoành tráng” và tất nhiên tốn kém chi phí.
Trong và sau mỗi đợt phát động, ban tổ chức công bố những con số ấn tượng là hàng ngàn người tham gia, hàng trăm đại biểu đến dự, sự kiện được lan tỏa đến cộng đồng… nhưng hiệu quả lại là một câu chuyện khác. Thực tế cho thấy, riêng việc phân loại rác tại nguồn ngay trong trường học đã được tập huấn nhiều lần với hàng triệu giáo viên và học sinh tham gia hưởng ứng, song đến nay vẫn chưa làm được.
Không nói quá khi nhà trường, xã hội và ngay cả trong gia đình… người lớn thường phớt lờ, không quan tâm đến lời nói của trẻ và luôn cho rằng “đó là suy nghĩ của trẻ con”. Chính vì thế, những lời sẻ chia, nhắn gửi kiểu như thông điệp về môi trường của bức thư Nguyệt Linh có thể vô tình (hoặc cố ý) mà bỏ quên đâu đó. Bởi người lớn chúng ta mấy ai chịu lắng nghe, chia sẻ, đánh giá thực chất của vấn đề… để đi đến hành động.
Phản ứng của một cá nhân trước môi trường sống ngày càng bị hủy diệt là một phản ứng bình thường, tuy nhiên bằng suy nghĩ của một học trò tiểu học với hiểu biết của mình về môi trường mà quyết định biên thư gửi thầy hiệu trưởng là điều vô cùng cảm kích.
Lá thư của Nguyệt Linh, nếu được gửi cho một ai đó chưa thật sự quan tâm đến môi trường hoặc tỏ ra khó chịu trước “chuyện không đâu” có thể lá thư ấy đã đi vào sọt rác. Tôi đánh giá cao hành động của thầy hiệu trưởng, sau khi đọc thư là hồi âm ngay, đó là bản lĩnh của người lớn, hơn hết là một người thầy. Hành động biên thư trả lời học trò là một kiểu tương tác, trao đổi không đao to búa lớn mà vô cùng hiệu quả nhưng chẳng mấy ai làm được.
Bảo vệ môi trường là việc làm xuyên suốt, lời nói đi với hành động. Lá thư của Nguyệt Linh góp phần làm “thức tỉnh” mọi người cần có hành động ngay vì môi trường, vì thiên nhiên. Người lớn cứ ra rả tuyên truyền, nhồi nhét vào đầu trẻ là “phải hành động ngay” trong khi bản thân mình còn đối xử tệ với môi trường.
T.A
Bình luận (0)