Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh toàn cầu mất gốc: Chuyện không nhỏ!

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi viết về vấn đề này sau những lần chứng kiến học trò mình “nửa đường đứt gánh” chương trình quốc tế phải quay về chương trình VN, sau đó tiếp tục đứt gánh thêm lần nữa vì: các em thiếu năng lực đọc hiểu tiếng Việt.

Tôi viết về vấn đề này sau những lần đau lòng chứng kiến học trò mình “nửa đường đứt gánh” chương trình quốc tế phải quay về chương trình Việt Nam, để rồi sau đó tiếp tục đứt gánh thêm lần nữa vì không theo nổi chương trình trong nước. Chỉ vì một lý do tưởng như rất vô lý nhưng lại có thật: các em thiếu năng lực đọc hiểu tiếng Việt.

1.

Ngồi trước mặt hiệu trưởng một trường quốc tế là hai mẹ con học sinh lớp Bảy. Cậu bé phải rời trường cách đây một tuần, vì ba tháng qua gia đình không thanh toán khoản học phí tầm 120 triệu đồng.

Cậu bé là học sinh chương trình quốc tế, học hoàn toàn bằng tiếng Anh với mức học phí hằng năm bình quân 420 triệu đồng. Cha mẹ cho cậu theo chương trình này với định hướng cậu sẽ trở thành “công dân toàn cầu”. Cậu bé được học từ khi bước chân vào mẫu giáo, ở chương trình này hai tiết tiếng Việt mỗi tuần được xem là… ngoại ngữ.

Để tạo cho cậu bé môi trường “toàn cầu”, cha mẹ vốn là doanh nhân thành đạt cũng chỉ nói chuyện với cậu bé bằng tiếng Anh trong sinh hoạt hằng ngày, việc nói tiếng Việt trong nhà bị coi là một lỗi nghiêm trọng. Hè nào cậu bé cũng được tham gia các trại hè quốc tế để nâng cao kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài.

Với môi trường như thế, cậu bé dần trở thành niềm tự hào của cha mẹ, khi mới bảy tuổi đã có thể hát những bài hát tiếng Anh trong các buổi văn nghệ ở trường, 11 tuổi thi lấy chứng chỉ tiếng Anh ở cấp độ cao, xem phim tiếng Anh có thể hiểu đến 70-80% lời thoại… Chỉ có điều, cậu bé không thể trò chuyện bình thường với ông bà nội ngoại, không thể đọc truyện bằng tiếng Việt, không thể ra phố một mình vì không ai hiểu cậu muốn nói gì.

Nào ngờ, đầu năm lớp Bảy, công ty của cha mẹ cậu phá sản, cha bị vướng vòng lao lý. Sau ba tháng không thể thanh toán học phí, cậu bé bị nhà trường từ chối với ân huệ là sẽ cho cậu bé học thêm hai tuần miễn phí để tìm trường mới và chuyển trường.

Điều kinh khủng nhất đã đến. Suốt hai tuần đó, mẹ cậu bé đã gõ cửa cả chục trường có học phí phù hợp với năng lực tài chính hiện tại nhưng sau bài kiểm tra đầu vào, điều mà mẹ con nhận được là cái lắc đầu: “Rất tiếc, năng lực con chị không phù hợp với trường chúng tôi”. Cậu viết câu văn ngô nghê nửa Tây nửa ta, người đọc không thể hiểu.

Đến giờ phút này, hình như cậu bé vẫn chưa thể tìm được một trường phù hợp. Tệ hơn, cậu đang có những biểu hiện của sự mất niềm tin vào bản thân.

Hoc sinh toan cau mat goc: Chuyen khong nho!

Dự thảo của Bộ GD-ĐT yêu cầu học sinh Việt Nam bậc tiểu học trong trường quốc tế phải được cung cấp kiến thức về tiếng Việt, văn hóa Việt qua chương trình tiếng Việt thời lượng từ 140 phút/tuần. Ảnh minh họa.

2.

Ba năm trước, cô bé 16 tuổi này là “ngôi sao” ở một ngôi trường quốc tế, hình ảnh điển hình cho “con nhà người ta”, IELTS 7.5, hái những giải thưởng “quốc tế” dễ như hái ổi… 

Gia đình có nhiều họ hàng sống ở các nước tiên tiến nên bao quanh cô bé luôn là sự so sánh về độ vênh giữa giáo dục còn hạn chế của Việt Nam và giáo dục tiên tiến của các nước Mỹ, Nhật, Úc…

Mặc dù là người Việt nhưng đại gia đình của cô bé luôn đặt mình ở vị trí cao hơn người Việt sống trong nước. Ảnh hưởng từ gia đình như thế, nên bản thân em luôn tự coi mình là đẳng cấp cao hơn các bạn đồng trang lứa và chỉ đọc sách tiếng Anh để xứng tầm… công dân toàn cầu.

Học chương trình IB (International Baccalaureate) của trường quốc tế, nên em không hề biết Chinh phụ ngâm là gì, Nguyễn Trãi là ai… 

Cách đây hai năm, em du học tự túc ở một trường trung học nổi tiếng dành cho giới thượng lưu ở Mỹ. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, cô bé phát hiện mình chẳng là “cái đinh” gì trong mắt bạn bè cùng trường. Giải thưởng hùng biện quốc tế ư? Giải thưởng ý tưởng sáng tạo quốc tế ư? Certificate of Global Young Leaders ư?… chỉ là trò của mấy tổ chức kinh doanh danh hiệu chủ yếu lừa người háo danh.

Nỗi lo “mất gốc” là có thật

Nhiều gia đình đã tạo môi trường ngoại ngữ cho con rất sớm. Trẻ được đầu tư học trường quốc tế với thầy cô nước ngoài từ tuổi mầm non, với một kỳ vọng rất chính đáng: để con giỏi ngoại ngữ. Dù chưa có công trình nào phủ nhận việc trẻ biết đa ngôn ngữ thường có tư duy tốt, nhưng có nhiều nghiên cứu khuyến cáo nên để trẻ thành thạo tiếng mẹ đẻ trước khi học một ngôn ngữ mới, tránh hiện tượng “nửa nạc nửa mỡ” trong ngôn ngữ của trẻ mà kéo theo đó là sự trống rỗng văn hóa dân tộc. 

Đã có nhiều cha mẹ chuyển con khỏi trường quốc tế vì cháu gặp ai cũng chỉ chào “hello”, gặp ông bà không chịu khoanh tay hay cúi đầu tỏ thái độ lễ phép, cha mẹ nói không vừa ý là không nghe, thậm chí to tiếng vì coi đó là cách “phản biện, bày tỏ chính kiến”. Đã đến lúc cần nhìn lại một cách nghiêm túc việc các bạn trẻ mất gốc ngay trên quê hương mình. 

Những cái nhìn chế giễu, những câu nói bóng gió, những cách ứng xử theo kiểu kỳ thị khiến cô bé thấy mình lạc lõng trong ngôi trường đã chọn. Sau một năm chống chọi với áp lực quá lớn, cô bé gục ngã, buông tay trước căn bệnh trầm cảm, theo sự đánh giá của bác sĩ tâm lý.

Mất đi sự tự tin vào bản thân, mất đi đam mê của những ngày còn ở Việt Nam, vỡ mộng du học… mỗi ngày đến trường của cô bé trở thành cơn ác mộng. Đến một ngày, điểm đến của cô bé không còn là ngôi trường mà là… ga tàu điện ngầm. Mỗi buổi sáng, mang theo ba-lô căng phồng với bánh mì, nước, laptop… cô lê la ở đó từ 8g đến 15g thì trở về nhà.

Sau ba tháng, sự việc được phát hiện, người mẹ xót con vội vàng bay sang Mỹ để đưa con về. Về Việt Nam, những người bạn cùng tuổi đã hoàn thành chương trình THPT, đứa du học, đứa vào đại học, đứa đi làm. Riêng cô bé, không có lấy một mảnh bằng, tiếng Việt không đủ để học lại chương trình phổ thông, xin vào làm công ty nước ngoài thì không có năng lực chuyên môn gì ngoài tiếng Anh.

Cuối cùng, cô bé không thể trở thành công dân toàn cầu, cũng không được coi là người bản xứ ngay trên quê hương mình.

3. 

Trong một lần gặp gỡ hơn 100 học sinh khối đơn ngữ (chỉ học tiếng Anh) trong trường quốc tế nơi từng công tác, tôi đề nghị các bạn chơi một số trò chơi có thưởng.

Trò thứ nhất: đọc thuộc lòng những câu ca dao, thơ lục bát, tục ngữ mà các bạn thuộc. Kết quả, không có học sinh nào đọc được một câu. 

Trò thứ hai: đọc một vài trích đoạn và cho biết tác giả của: Hịch tướng sĩ, bài thơ Thần, Bình Ngô đại cáo… Kết quả thu được cũng hệt như trò thứ nhất.

Trò thứ ba: nêu cảm nhận về bài ca dao Tát nước đầu đình, một số đoạn thơ trong Chinh phụ ngâm... Các bạn ấy chém gió rất tài tình, theo kiểu của các “danh hài” trong các chương trình hài, không bạn nào có thể phân tích nội dung các bài thơ.

Trò thứ tư: thuyết trình về một chủ đề bạn yêu thích trong 8 phút. Yêu cầu: không sử dụng tiếng nước ngoài, mỗi lần sử dụng bị tính một lỗi, quá năm lỗi bị loại. Kết cục, có 1/12 học sinh đạt được chuẩn đề ra với ba lỗi. Tuy nhiên, bài thuyết trình của em rời rạc, ngắc ngứ, mất hẳn sự cuốn hút vì em phải dừng rất nhiều lần để tìm từ Việt thay cho từ nước ngoài mà em có thể nói rất trôi chảy.

Vậy đó, khi nghe câu chuyện này có thể ai đó cười cho là chuyện nhỏ nhưng với tôi đó là dấu hiệu của sự “mất gốc” của nhiều người trẻ Việt đang lớn lên trên chính quê hương mình. 

Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về học sinh Việt Nam ở trường quốc tế phải học tiếng Việt

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định chi tiết một số điều trong Nghị định 86 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, dự thảo đề cập nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với nước ngoài, trong đó quy định nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài.

Trẻ em Việt Nam học tại trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài phải được giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, có khả năng nghe, nói và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày. Học sinh tiểu học phải được cung cấp kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa và con người Việt Nam thông qua chương trình tiếng Việt với thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần. Học sinh THCS và THPT học chương trình Việt Nam học không ít hơn 90 phút/tuần về lịch sử, địa lý, văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam…

Phú Thi/Phunuonline

Bình luận (0)