Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Môn ngữ văn, “quán quân điểm liệt”

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm bài thi môn văn ti k thi THPT quc gia 2019

Theo thống kê, môn ngữ văn dẫn đầu số thí sinh bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), với 1.265 bài thi. Đây là mức điểm liệt kỷ lục so với các môn thi còn lại. Con số trên quả thực là con số đáng suy ngẫm đối với những người đang trực tiếp giảng dạy môn ngữ văn ở trường phổ thông.

Đề thi ngữ văn quốc gia, từ năm 2014 đã không lấy việc kiểm tra kiến thức văn học thuần túy mà đã đưa vào đó phần tri thức đọc hiểu văn bản (chiếm 30% số điểm của toàn bài). Sau nhiều lần thay đổi cấu trúc thì môn ngữ văn dần định hình cấu trúc cơ bản:

I. Đọc hiểu văn bản (3 điểm)/

II. Làm văn

1. Viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ dựa trên ngữ liệu đọc hiểu ở phần Đọc hiểu văn bản (2 điểm)

2. Viết bài văn nghị luận văn học (5 điểm)

Câu đọc hiểu thứ nhất hỏi về thể thơ, câu này chiếm 0,5 điểm. Có thể nói đây là câu hỏi ở cấp độ biết nhằm “tặng điểm” cho thí sinh bởi lẽ những kiến thức rất cơ bản về thể thơ như thế này những HS lớp 8, lớp 9 của cấp THCS (các em đã được học các bài thơ viết theo thể thơ tự do như: Nhớ rừng của Thế Lữ, Con cò của Chế Lan Viên, Nói với con của Y Phương, Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm…) đã có thể trả lời được chứ không cần phải học hết lớp 12 cộng thêm mấy tháng ôn luyện cật lực.

Câu thứ hai hỏi về nội dung hai dòng thơ

Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng

Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm

Có thể nói do ngữ liệu là một đoạn thơ không có quá nhiều biện pháp tu từ phức tạp, thế nên HS không khó để hiểu hai câu thơ trên là đang đề cập đến cuộc sống cơ cực, tăm tối của kiếp người. Sự gắn bó, khát vọng chinh phục biển khơi dẫu có khó khăn, nghiệt ngã. Có thể HS không diễn đạt đúng cả hai ý nhưng chí ít cũng được một ý.

Với câu số 3, đề thi hỏi về hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:

Cái hào hiệp ngang tàng của gió

Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ

Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời

Cái giản đơn sâu sắc như đời

Đây có thể nói là câu hỏi không dễ trả lời, thế nhưng cũng không hẳn là không nói được gì. Bởi phép điệp là một biện pháp tu từ quan trọng mà bất cứ người GV dạy Ngữ văn 12 không thể không quan tâm. Bởi lẽ biện pháp này xuất hiện phổ biến trong những tác phẩm có trong chương trình. Kế đến, HS được rèn luyện trong bài học tiếng Việt của chương trình và trong phần kiến thức đọc hiểu.

Câu thứ tư trong đề đọc hiểu là một câu kiểm tra năng lực diễn đạt, tư duy của HS hoàn toàn không lệ thuộc vào bất cứ kiến thức văn học nào: Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì? Và đáp án của Bộ GD-ĐT hoàn toàn mở: HS nêu rõ quan điểm, suy nghĩ cá nhân. Cần lý giải thuyết phục, hợp lý. Đây là một điều hết sức thuận lợi để giúp thí sính gia tăng thêm điểm số để không bị rơi vào điểm liệt.

Đến phần hai là phần Làm văn. Câu 1 là câu viết đoạn văn với đề tài: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống (câu này chiếm 2 điểm). Đây là một vấn đề không lạ, HS có thể tìm được nhiều dẫn chứng để làm bài. Vấn đề nghị luận rất “hiển ngôn” không cần phải suy luận để tìm ra vấn đề cần nghị luận. Thế nên không thể nói rằng không hiểu vấn đề cần nghị luận. Còn kỹ năng viết đoạn văn là kỹ năng đã được học từ bậc THCS và được hoàn thiện ở bậc THPT. Thế nên việc một HS đã qua 12 năm học mà không thể viết nổi một đoạn văn là chuyện cực kỳ khó hiểu.

Phần chiếm nhiều điểm nhất là câu hỏi nghị luận văn học (chiếm 5 điểm). Đề thi năm nay yêu cầu HS nêu cảm nhận của mình về hình tượng sông Hương (Bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông) với đoạn trích con sông Hương ở thượng nguồn (có trích văn bản kèm theo). Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đặt giả thuyết HS học không “trúng tủ”, thì bằng kỹ năng của mình HS vẫn có thể tìm được một ít điểm cho câu hỏi này. Bởi vì một lẽ giản đơn: Đề thi đã trích sẵn ngữ liệu, chẳng lẽ với ngữ liệu có sẵn HS không thể nói được điều gì?

Từ những phân tích trên cho thấy, với việc 1.265 bài thi ngữ văn bị điểm liệt và một số không nhỏ khác “cận liệt” đã đặt ra nhiều câu hỏi cho vấn đề dạy và học ngữ văn hiện nay.

Với đề thi năm nay (và nhiều năm trước), chúng tôi cho rằng một HS chỉ cần học nghiêm túc hết bậc THCS đã có thể xử lý để thoát điểm liệt không cần phải đến hết bậc THPT bởi vì có nhiều câu hỏi chỉ cần nắm kỹ năng đọc hiểu văn bản – tạo lập văn bản chứ không đòi hỏi kiến thức văn học thuần túy. Như vậy tại sao có ngần ấy bài thi bị điểm liệt? Phải chăng vì những HS ấy không muốn đỗ tốt nghiệp nên cố tình như thế? Tôi nghĩ lý do này khó thuyết phục bởi phần lớn thí sinh đã chấp nhận đi thi là luôn khát khao đỗ tốt nghiệp. Như vậy phải chăng việc dạy – học và kiểm tra đánh giá ở môn ngữ văn hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề đáng bàn:

Thứ nhất, một bộ phận GV dạy ngữ văn chưa chú ý hình thành ở HS 2 năng lực cơ bản của môn học: năng lực đọc hiểu văn bản và năng lực tạo lập văn bản.

Thứ hai, một bộ phận GV còn quan niệm kiểm tra đánh giá môn ngữ văn là học thuộc bài của GV để trả bài cho GV.

Thứ ba, phải chăng vì thành tích mà nhiều HS chưa đảm bảo năng lực môn học đã được GV đẩy lên dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm lớp.

Câu chuyện điểm liệt và “cận liệt” trong môn ngữ văn của một bộ phận thí sinh tham gia kỳ thi quốc gia đã gióng lên một hồi chuông đáng báo động. Bởi lẽ trong số các môn học, GV giảng dạy ngữ văn vẫn cho rằng môn ngữ văn mà muốn bị liệt còn “khó hơn lên trời” bởi đây là môn tự luận duy nhất nên HS hoàn toàn có thể chủ động trong diễn đạt. Hơn thế nữa nhiều câu hỏi chỉ nhằm kiểm tra năng lực diễn đạt tiếng Việt. Tiếng Việt không diễn đạt nổi thành câu, thành đoạn để đến nỗi bị “liệt” thì thử hỏi khi bước vào cuộc sống những HS này sẽ như thế nào?

Trm Thanh Tun
(GV Trưng THPT Long Hip – Trà Vinh)

Bình luận (0)