Sau khi kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 được công bố, một trong những đề tài gây chấn động dư luận là số bài thi môn văn bị điểm liệt năm nay dẫn đầu và cao vọt ngoài sức tưởng tượng.
Thí sinh chuẩn bị làm bài môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: N.Tùng
Gần đây cũng đã có nhiều bài viết mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến hiện tượng điểm liệt môn văn gây sốc nói trên. Nhưng có lẽ cần thiết hơn là hiện tại – khi năm học mới sắp bắt đầu, ta nên bình tĩnh ngồi lại xem xét nguyên nhân, trên cơ sở đó đề ra những bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục tình trạng đáng buồn trên, sao cho kết quả điểm thi môn văn các năm tới không còn gây xôn xao dư luận như vậy nữa. Theo nhiều giám khảo chấm thi vừa rồi, các bài thi môn văn bị điểm liệt do phần lớn thí sinh để giấy trắng, không viết gì hay viết lạc đề, hoặc nội dung bài làm rất kém, sai kiến thức… Do đâu mà có hiện tượng trên và biện pháp nào để khắc phục hiện trạng đáng buồn đó trong các năm học tới?
Xóa bỏ tâm lý chủ quan, học lệch, học tủ
Chúng tôi cho rằng, một lý do rõ rệt nhất là nhiều thí sinh vào phòng thi không có chút kiến thức gì về môn văn, với tâm lý chủ quan rằng: làm bài thi môn văn chỉ cần “chém gió” linh tinh cả lên, càng dài càng tốt, giám khảo sẽ đo gang chấm điểm nên thế nào ắt cũng kiếm được vài điểm chứ khó mà bị điểm liệt! Sở dĩ có tình trạng đó là do học sinh chưa khắc phục được căn bệnh trầm kha học lệch đã tồn tại nhiều năm qua, ăn sâu trong tâm lý của cả phụ huynh lẫn học sinh, nên hầu như các em chỉ học với tâm thế đối phó. Chính cách suy nghĩ của phụ huynh lẫn học sinh học để đối phó như vậy nên đã dẫn đến một hệ lụy oái oăm, trái khoáy khiến nhiều em trở tay không kịp, là có trường hợp học sinh dư điểm vào ĐH nhưng lại rớt tốt nghiệp vì môn văn bị điểm liệt! Cho nên, trước hết học sinh cần khắc phục ngay tâm lý xem thường môn văn, học lệch, chủ quan, học đối phó, thụ động, chây lười, ỷ lại và bước vào kỳ thi với tâm lý phó mặc, được chăng hay chớ.
Tiếp theo là chấm dứt ngay tình trạng học tủ – một thực tế mà hiện nay chúng ta không thể phủ nhận. Nguyên nhân là do học sinh không nắm được quy trình ra đề thi nói chung hiện nay luôn có khâu bốc thăm chọn đề một cách ngẫu nhiên, vì vậy đề thi có thể rơi vào bất cứ bài nào trong chương trình, kể cả những bài vừa thi năm trước. Vì vậy, nếu học sinh cho rằng đề thi năm trước đã ra vào bài này, phần này nên năm nay chắc sẽ không rơi vào bài đó, rồi lược bỏ bài này, bài kia khi học ôn, chỉ chăm chú vào bài kia, bài nọ theo lời đồn… thì đó là những suy diễn hết sức sai lầm, chủ quan và cực kỳ nguy hiểm, dễ bị “trật tủ” hoặc “tủ đè”! Như sát kỳ thi vừa rồi có cô ca sĩ ra MV “Để Mị nói cho mà nghe”, thế là không ít học sinh đồn đoán rằng năm nay đề văn chắc sẽ ra “Vợ chồng A Phủ” nên ra sức tập trung ôn luyện bài tủ ấy (!?), và kết quả nhiều em “trật tủ” như ta đã biết.
Xác định thái độ học tập nghiêm túc
Thời đại hiện nay cho thấy tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ. Điều đó lý giải vì sao học sinh hiện nay có xu hướng nghiêng về ngoại ngữ, tin học và các môn khoa học tự nhiên như là một sự bảo đảm cho tương lai. Nhưng tình trạng học sinh lơ là, bỏ bê học tập môn văn là một hành vi sai lầm lớn, bởi văn không chỉ giúp cho các em sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, mà còn góp phần hình thành nhân cách sống. Là môn học công cụ, môn văn cũng đồng thời bồi đắp tâm hồn và trí tuệ học sinh nói riêng và con người Việt Nam nói chung ngày càng giàu đẹp. Mỗi “thí sinh tương lai” cần hiểu rõ mục tiêu của mình mà xác định thái độ học tập môn văn một cách nghiêm túc, chủ động và tích cực hơn trong học tập.
Cần cải cách khâu dạy – học – thi
Kết quả hàng ngàn điểm liệt, ngoài nguyên nhân vì học sinh học đối phó, còn phải kể đến sự kém hấp dẫn của chương trình môn văn ở bậc phổ thông, hãy còn ôm đồm, nặng nề kiến thức hàn lâm, ít gắn với thực tiễn cuộc sống. Về mặt chất lượng giáo viên văn cũng cần nhìn nhận lại khi đầu vào của ngành sư phạm ngữ văn ở nhiều trường ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây, chỉ vừa đạt điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định. Cạnh đó, phương pháp dạy học của phần lớn giáo viên còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cho nên, đội ngũ giáo viên văn các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.
Trước mắt, để con số điểm liệt môn văn năm tới không còn gây “sốc” dư luận, thầy cô giáo cần cố gắng từng bước đổi mới phương pháp dạy học, mạnh mẽ tích hợp liên môn và nội môn để đưa môn văn đến gần hơn với thực tiễn cuộc sống, tạo hứng thú học tập, khát khao tìm hiểu khám phá cho học sinh.
Muốn cho môn học ngày càng gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú, không chỉ cần đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, mà còn cần điều chỉnh phương thức ra đề, chấm thi, kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả, chính xác hơn, hạn chế được yếu tố chủ quan, cảm tính trong quá trình chấm bài. Thực trạng khâu kiểm tra, đánh giá hiện chưa có nhiều đột phá, đề thi còn thiên về kiểm tra trí nhớ, tái hiện kiến thức, chưa khuyến khích được sự sáng tạo vận dụng của học sinh.
Đôi điều lưu ý khi làm bài thi
Thí sinh cần phân bổ thời gian 120 phút làm bài thi cho hợp lí. Các em nên làm phần Đọc – hiểu (chiếm 3 điểm) trong vòng 20-30 phút, câu nghị luận xã hội (chiếm 2 điểm) khoảng 30 phút, thời gian còn lại dành cho câu nghị luận văn học (5 điểm). Phần Đọc – hiểu: Học sinh nắm vững kiến thức tiếng Việt cần thiết về từ – câu – văn bản: các thể thơ, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, cách tóm tắt văn bản, phát biểu ý kiến ngắn gọn… Câu NLXH: Học sinh cần nắm chắc kết cấu của một bài văn nghị luận xã hội. Thường xuyên theo dõi thời sự để biết được các vấn đề xã hội đang được cộng đồng quan tâm. Đây chính là hai phần thí sinh cần chú trọng để vượt qua điểm liệt môn văn. Câu NLVH: Là câu hỏi quan trọng nhất trong đề thi. Đề có thể ra vào một tác phẩm của lớp 12, hoặc có thể tích hợp 2/3 chương trình lớp 12 cùng 1/3 lớp 11 theo hướng mở với nhiều yêu cầu phong phú, đa dạng. Học sinh phải nắm được những vấn đề cơ bản các tác phẩm trọng tâm đã ấn định trong chương trình như: tiểu sử tác giả, hoàn cảnh sáng tác, những chủ đề chính, hình tượng nghệ thuật/ nhân vật trung tâm, phong cách sáng tác của nhà văn…
Con số 1.265 điểm liệt môn văn năm nay tuy đáng buồn song không hề bất ngờ, cũng chẳng phải vô lý. Trước hết, nó phản ánh đúng tình hình dạy và học nói chung, dạy – học văn nói riêng ở trường phổ thông hiện nay. Đồng thời, phản ánh ý thức học tập môn văn của học sinh và tâm lý thiên lệch của phụ huynh đối với môn học này. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh về chất lượng học tập môn văn, đồng thời đặt ra yêu cầu cải cách toàn diện chương trình, nội dung, phương pháp dạy – học, hình thức kiểm tra đánh giá…; để trong tương lai gần, đồng hành cùng tiến trình cải cách giáo dục, các vấn đề bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ dần dần được khắc phục với kết quả ngày càng khả quan hơn.
Đỗ Thành Dương
(Trường Dự bị ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)