Gần đây, mặc dù đã được cảnh báo về các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) không phép nhưng nhiều người vẫn “mắc quả lừa” để rồi mất thời gian thưa kiện, mất tiền, thậm chí nợ nần…
Người lao động tìm hiểu các ngành nghề xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tại Ngày hội việc làm Khu Công nghệ cao TP.HCM
Sau gần 10 năm làm nghề cơ khí ở Dĩ An, Bình Dương với mức lương khá, anh Nguyễn Hoài Phong (huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) dành dụm ít tiền mua miếng đất nhỏ chờ có điều kiện xây nhà. Đầu năm 2019, anh nghe lời một nhóm bạn và cùng tìm công ty có uy tín để hợp đồng XKLĐ sang Nhật Bản. Công ty uy tín mà các anh đặt niềm tin đó là Công ty Hợp tác, đào tạo và cung ứng nhân lực Thái Bình Dương có trụ sở đặt tại Q.Tân Phú (TP.HCM). Theo hợp đồng, các anh phải đóng trước cho công ty 30%/ tổng số tiền khoảng 130 triệu đồng, đến ngày hoàn tất mọi thủ tục sẽ đóng thêm 50% nữa.
“Chúng tôi đã đóng đủ 80% theo hợp đồng nhưng phía công ty không có một phản hồi nào. Nghi vấn, yêu cầu được gặp giám đốc công ty để giải thích rõ ràng thì chỉ nhận được những câu đại loại như: giám đốc đi công tác, giám đốc đi họp ngoài bộ…”, anh Phong bức xúc.
Sự việc chưa dừng lại, đầu tháng 4-2019, tức sau hơn 3 tháng ký hợp đồng XKLĐ với công ty này, nhóm của anh Phong có nhận một cuộc hẹn qua điện thoại yêu cầu đến để giải quyết hợp đồng. Đúng ngày giờ hẹn, các anh đến thì công ty này không còn biển hiệu, cửa khóa trong. “Qua lời hàng xóm, công ty này đã dọn đi 3 ngày trước, còn dọn đi đâu thì chúng tôi không biết”, Phong nói.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội giới thiệu một công ty XKLĐ và tự cho là đơn vị có uy tín, nhiều năm môi giới người lao động làm việc ở nước ngoài với các ngành, nghề như cơ khí, nông nghiệp, điện tử… Từ thông tin này, chúng tôi tìm hiểu thì được biết đây chỉ là một trong những “đại lý” của công ty tư vấn định cư đầu tư, XKLĐ sang Hàn Quốc, Nhật Bản…
Liên hệ theo số điện thoại đăng kèm, chúng tôi được một nữ nhân viên tư vấn về công việc trên đất khách cũng như mức lương “làm một tháng ở Nhật bằng một năm ở Việt Nam” cùng với những chế độ đãi ngộ xứng đáng. Tuy nhiên, với những thông tin cơ bản, không khó để chúng tôi nhận ra đây là một công ty đã từng bị Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM “sờ gáy” từ nhiều năm trước vì hoạt động không có giấy phép.
Tại TP.HCM, mới đây nhiều công ty XKLĐ chui bị phát hiện và xử phạt, tuy nhiên đấy chỉ là một con số quá nhỏ so với hàng trăm công ty “núp bóng” hoạt động du lịch, trung tâm ngoại ngữ, đào tạo nhân lực và tư vấn định cư đầu tư. Với những lời quảng cáo “có cánh”, tô vẽ viễn cảnh cuộc sống, công việc ở nước ngoài đánh vào tâm lý của người lao động, để rồi bằng mọi giá phải tìm một suất để đi XKLĐ với hy vọng đổi đời và họ đã sập bẫy…
Luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ghi rõ: Chỉ doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Bộ LĐ-TB&XH chấp thuận mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Doanh nghiệp này trực tiếp tuyển chọn lao động, không ủy quyền hoặc hợp tác với doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động làm việc ở nước ngoài tuyển chọn lao động. “Vi phạm trong trường hợp này sẽ bị xử lý theo Luật Hình sự về tội tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”, luật sư Uyên nói. |
Trước tình trạng công ty XKLĐ hoạt động không có giấy phép rầm rộ tại một số địa phương, ông Tống Hải Nam – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) – cảnh báo người lao động phải tìm hiểu kỹ, nếu có nguyện vọng XKLĐ thì nên đến sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành để được tư vấn.
Cũng theo ông Nam, cả nước hiện có trên 350 công ty được cấp phép hoạt động XKLĐ và danh sách được niêm yết tại Cổng thông tin của Bộ LĐ-TB&XH cũng như các tỉnh, thành. Để tránh tiền mất tật mang, mất thời gian khiếu kiện… người lao động nên tham khảo từ những người đi trước, họ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để lựa chọn. “Người lao động nên đến ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm do các sở LĐ-TB&XH, các trường nghề tổ chức để tìm kiếm những đơn vị XKLĐ có uy tín”, ông Nam khuyên.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)