Ngày 3-11, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 7-4-2017 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đ.P
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, UBND TP.Cần Thơ triển khai 15 đề án và kế hoạch phát triển trên nhiều lĩnh vực nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, với tổng kinh phí 231,6 tỷ đồng. Thành phố tập trung vào công tác quy hoạch, định hướng sản xuất (vùng sản xuất, loại nông sản, giống…) gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay Cần Thơ có 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật – công nghệ cao, trong đó mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” và “Cánh đồng lúa sạch” đạt diện tích trên 30.000 ha/vụ. Việc áp dụng mô hình sản xuất tập trung tạo điều kiện phát huy hiệu quả “liên kết 4 nhà” (Nhà nước – Doanh nghiệp – Nhà nông – Nhà khoa học), thúc đẩy nâng cao chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân (lợi nhuận từ canh tác lúa trong các mô hình này cao hơn so với ngoài mô hình từ 2,4 triệu lên 5 triệu đồng/ha/vụ). Các mô hình sản xuất cho thu nhập cao cũng phát triển như: Vùng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày; Vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái; Hình thành cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn liên kết sản xuất theo chuỗi. Đặc biệt, việc phát triển vùng nuôi cá tra và các mô hình thủy sản giúp giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường, giảm dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm, tận dụng được hầu như toàn bộ sản phẩm, giúp thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng; Góp phần để Cần Thơ dù diện tích sản xuất ít nhưng là đơn vị đi đầu của khu vực trong ứng dụng kỹ thuật và đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Ghi nhận các đóng góp, đề xuất của đại biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó có việc số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều do chi phí đầu tư rất lớn để cải thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hoạt động liên kết sản xuất giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Tình hình cung – cầu không ổn định, nhất là giá cả, khâu tiêu thụ. Để khắc phục, thành phố sẽ đa dạng các nguồn vốn, tăng cường thu hút đầu tư, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về đất, vay vốn ngân hàng. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn kết hợp Sở Khoa học – Công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về sản xuất con giống chất lượng cao và giảm lượng thức ăn trong chăn nuôi; đưa thủy sản trở thành một trong những mặt hàng chủ lực của Cần Thơ trong phát triển kinh tế, xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đan Phượng
Bình luận (0)