“Phụ huynh học sinh lớp 1 luôn mong muốn được học cùng con. Điều này là rất cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, để có sự thống nhất trong phương pháp giáo dục, phụ huynh nên có sự trao đổi, chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, không nên dạy con theo kinh nghiệm cá nhân”, cô Ngô Thị Thanh Phương (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) chia sẻ.
Muốn dạy con học ở nhà, phụ huynh phải có kỹ năng và phương pháp tốt. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 tại TP.HCM trong một giờ học (năm học 2018-2019)
Sự trao đổi thống nhất này, theo cô Phương là để tránh trường hợp “giáo viên dạy trên lớp một đằng, ở nhà phụ huynh dạy một nẻo”, cuối cùng trẻ không biết sẽ phải học theo ai, rất khó cho giáo viên và nhà trường. Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp 1, cô Phương chia sẻ năm nào cũng vậy, cô luôn phải “đứng hình” trước những thắc mắc của học sinh: “ở nhà, ba con/mẹ con không dạy như vậy đâu” khi dạy trẻ về cách phát âm, ghép vần. Với những trường hợp này, cô phải vất vả giải thích và uốn nắn các em lại từ đầu. “Để dạy con học ở nhà, phụ huynh cần phải có phương pháp và kỹ năng. Theo đó, phụ huynh có thể tìm thêm những cuốn sách dạy trẻ lớp 1 để phụ đạo cho con ở nhà. Mỗi ngày, dù bận bịu thế nào phụ huynh cũng nên dành khoảng 30 phút để hình thành cho con thói quen ngồi vào bàn học, ôn lại bài cũ và kiểm tra trước bài mới. Phụ huynh có thể học cùng con bằng cách khuyến khích con viết ra những câu văn mà con nghĩ với các từ đã học. Điều này vừa giúp trẻ ôn lại bài, vừa hỗ trợ trẻ trong việc phát triển ngôn ngữ, tư duy… Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dạy con cách phân biệt những cuốn sách cơ bản như sách toán, tiếng Việt”, cô Phương phân tích.
Điều tối kỵ nhất trong cách dạy học sinh lớp 1 được cô Phương nhắn gửi đến phụ huynh là không nên “mang cô giáo và nhà trường ra làm… ông kẹ” để dọa trẻ. Cụ thể, cô Phương cho biết nhiều phụ huynh thường có thói quen mang giáo viên ra để “trấn áp tinh thần” trẻ theo kiểu “nếu con không ngoan ba/mẹ sẽ mách cô giáo”, “con không ngoan ba/mẹ sẽ để con ở trường không đón”… Những câu nói này tưởng như vô hại nhưng lại tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ. Vô tình sẽ làm cho trẻ sợ đến trường, sợ thầy cô. “Học sinh lớp 1 rất thích được khen. Phụ huynh chỉ cần thay đổi theo hướng tích cực như: con ngoan thì mẹ sẽ chụp hình gửi cho cô giáo để cô thưởng, cô khen… thì trẻ sẽ cảm thấy hào hứng, thích thú được đến trường, đi học. Ngoài ra, để khích lệ trẻ ham thích đến trường, yêu lớp, yêu trường, phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện với con về trường lớp, bạn bè, thầy cô theo hướng động viên, khuyến khích”, cô Phương nhấn mạnh.
Trong khi đó, với 35 năm kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp 1, cô Nguyễn Thị Thanh Nga (giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) cho hay trong tuần học đầu tiên, nhất là buổi học đầu tiên có tác động rất lớn đến học sinh lớp 1. Vì vậy, lời khuyên được cô Nga đưa ra là trước khi đưa con đến trường, phụ huynh nên chăm chút, chuẩn bị thật đầy đủ những vật dụng cần thiết cho con như bút chì, cục gôm, sách học… Ở buổi học đầu tiên, phụ huynh nên đến đón con đúng giờ để tạo tâm lý an toàn, không bị bỏ rơi ở con. “Tuần học đầu tiên là tuần giáo viên ổn định nề nếp cho học sinh. Thời gian này nhà trường rất cần phụ huynh hỗ trợ thiết lập thói quen nề nếp cho trẻ như dạy trẻ chào hỏi, đưa đón trẻ đúng giờ, chuẩn bị đầy đủ tập vở…”, cô Nga cho biết. Với việc động viên khen thưởng học sinh lớp 1, cô Nga cho rằng đây là điều cần thiết, tuy nhiên phụ huynh không nên trao thưởng cho trẻ một cách quá dễ dàng sẽ khiến các em mất đi ham muốn cố gắng, sự nỗ lực.
Trong khi đó, cô Phan Thúy Trang (Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ khi con vào lớp 1, điều cần nhất là phụ huynh trang bị kỹ năng sống cho con. Môi trường tiểu học khác với mầm non, đó là trẻ phải có khả năng tự lập, biết tự phục vụ bản thân. Vì vậy, phụ huynh cần có sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm; yên tâm giao con cho nhà trường. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải tìm hiểu thêm về chương trình học của con để có sự chia sẻ, góp ý kịp thời với giáo viên chủ nhiệm. Đặc biệt, cô Trang nhấn mạnh, khi hướng dẫn con học ở nhà, phụ huynh nên tập cho con tư duy độc lập, tránh việc học thay con, làm bài thay con. Khi soạn sách vở, phụ huynh có thể cùng con soạn, để con có sự háo hức trong việc chuẩn bị đến trường.
Trong câu chuyện đồng hành cùng con vào lớp 1, thầy Dương Trần Bình (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, TP.HCM) bổ sung thêm, phụ huynh không nên nóng vội, sốt ruột và kỳ vọng quá nhiều vào con nhưng cũng đừng giao phó hoàn toàn con cho thầy cô giáo. “Sau 2 tháng học, các em mới chỉ học được một số âm. Phụ huynh không nên so sánh con với bạn bè, sẽ khiến con lo sợ đến trường, sợ đi học. Điểm số trong giai đoạn này không phải là thước đo đánh giá trẻ mà cha mẹ cần nhìn vào những cố gắng, những điều mà trẻ học được mỗi ngày. Với học sinh lớp 1, các em đang trong giai đoạn rèn nếp, rèn nhân cách. Vì vậy, để đồng hành cùng con, mỗi ngày cha mẹ hãy rèn cho con sự tự tin đến trường, tự tin đi học, ham thích được khám phá bằng những câu chuyện đẹp về trường lớp, thầy cô”, thầy Bình nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)