Bà Nguyễn Thị Hiên – một người thợ đan lát mây tre ở làng Yến Nê (xã Hòa Tiến, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nhắc tới nghề bằng giọng ngậm ngùi: “Cả làng chừ còn mô tầm 5 hộ còn theo nghề. Khi xưa nghề đem đến thu nhập nuôi sống nhiều bà con dân làng, nhiều đứa trẻ được đi học. Nay đời sống khác rồi, người ta dùng đồ nhựa cho tiện, mấy ai tìm mua sản phẩm tre đan thủ công. Nghề vì rứa mà mai một thôi”.
Bà Nguyễn Thị Hiên đang thực hiện công đoạn đan mành tre
1. Làng Yến Nê từng được nhắc đến với nghề đan các vật dụng từ tre nổi tiếng khắp nơi. Một thuở, nghề đan ở Yến Nê từng là cứu cánh áo cơm cho bao gia đình trên mảnh đất này. Đó là thời các vật dụng trong gia đình từ dần, sàng, thúng, mủng, sọt… đều được làm từ tre. Tre có mặt khắp nơi trong cuộc sống thường nhật ở mọi miền quê. Nhưng nghề đan ở Yến Nê nay đã khác!
Tìm về Yến Nê một chiều đầu thu. Đi một lượt từ đầu đến cuối làng, hỏi thăm về nghề đan lát mây tre, những người dân bên đường tận tình chỉ dẫn và không quên nhìn chúng tôi bằng ánh mắt tò mò lẫn nghi ngại. Nghề đan ở Yến Nê, đã ngót chục năm hoặc nhiều năm hơn nữa đã bị vùi vào quên lãng. Những người cố níu nghề chủ yếu là người già, họ muốn có thêm thu nhập và hơn hết muốn giữ lấy cái nghề mình từng gắn bó gần trọn cuộc đời. Bà Nguyễn Thị Hiên, bước qua tuổi 58, đã làm quen với nghề đan từ năm lên 10. Từ đó đến nay, bà vẫn chưa một ngày rời bỏ nghề và không nghĩ mình sẽ bỏ cái nghề đã theo suốt mấy chục năm. Thời hưng thịnh, sản phẩm làm ra không kịp bán, bà phải làm đêm. Nhưng đó là ký ức đã qua lâu lắm. Bà không muốn nhắc nhiều đến nghề. “Chừ mấy ai mua đồ tre mô. Tui đan chỉ cốt đỡ nhớ nghề, phần khác kiếm thêm tí chút phụ vào sinh hoạt thôi. Nghề đan chừ không còn nuôi nổi mình nữa”.
2. Cách nhà bà Hiên không xa, bên hiên nhà, bà Nguyễn Thị Chung (75 tuổi) vẫn tỉ mẩn từng nấc đan. Bà Chung cởi mở hơn về nghề. “Nghề gì cũng cần có quen. Quen rồi thì thích làm. Nghề đan cũng vậy”. Vừa nói, bà vẫn không rời tay khỏi tấm tre đang đan dở. Cuộc đời của bà đi cùng thăng trầm nghề đan tre. Thời hưng thịnh, bà làm ngày, làm đêm. Tre trong làng không đủ làm nguyên liệu thì rong ruổi đi các làng khác để tìm mua. Bà Chung bảo: “Đan tre không khó, nhưng mọi công đoạn đều cẩn sự chỉn chu, tỉ mẩn. Ví như khâu chọn tre ba đầu thì phải chọn những cây tre đủ độ già, thân to, thẳng, thưa mắt. Tre mua về rồi phân khúc tùy kích thước của từng vật dụng định đan. Chẻ ra thành sợi nan, vót cho bóng láng rồi phơi khô. Khó nhất là công đoạn lận và nức vành. Đòi hỏi người làm phải có đôi tay thật khỏe, khéo léo để sản phẩm không bị méo”. Bà từng đan rất nhiều sản phẩm, từ thúng, mủng, dần, sàng… Mỗi loại có một kích thước chẻ nan riêng. Bà như thuộc nằm lòng từ thuở nhỏ. Chỉ cần có ý định đan gì là đôi tay cứ thế thoăn thoắt chẻ tre mà không cần đến thước đo.
Với người dân ở Yến Nê, nghề đan từng đem lại cho cháu con họ cuộc sống đủ đầy, học hành tử tế. Như vợ chồng bà Nguyễn Thị Đức là một ví dụ. Nhà có tới 7 đứa con, ngoài vài sào ruộng khoán, ông bà gồng gánh cuộc sống bằng nghề đan. Thế mà đàn con được ăn học đàng hoàng, nên gia thành thất. |
Bà Chung thẩn thờ, xưa nhà ai cũng đan tre. Hết mùa lúa thì theo nghề đan để kiếm sống. 10 tuổi, cô bé Chung tập tành nghề đan dưới sự hướng dẫn của người lớn. Nhiều lúc nan tre cứa đôi tay ứa máu, nhưng nhìn thấy thành phẩm mình làm ra lại thấy vui. “Xưa làm nhiều loại để phục vụ nông nghiệp, buôn bán. Nay chỉ còn mỗi nghề bán trái cây là người ta cần đến đồ tre. Mỗi tháng chúng tôi đan tầm 100 cái trẹt đựng trái cây. Mỗi cái giá sỉ 18 ngàn đồng. Chủ yếu lấy công làm lãi”. Ngồi cạnh vợ, ông Võ Sáu cười tươi: “Ông bà già không làm thì buồn chân tay lắm. Có ngồi đan ri, ông bà mới trò chuyện vui vẻ với nhau hơn. Với lại ở thôn quê, đám đình triền miên, không lẽ cứ trông chờ vào con cái”.
3. Tâm tư cùng người giữ nghề đan ở Yến Nê ngót một buổi chiều. Tôi đọc được trong mắt họ nỗi nhớ nghề, nhớ thời hưng thịnh. Với họ, nghề đan từng đem lại cho cháu con cuộc sống đủ đầy, học hành tử tế. Không nói đâu xa, ở làng này, vợ chồng bà Nguyễn Thị Đức là một ví dụ. Nhà có tới 7 đứa con, ngoài vài sào ruộng khoán, ông bà gồng gánh cuộc sống bằng nghề đan. Thế mà đàn con được ăn học đàng hoàng, nên gia thành thất. Công cuộc đô thị hóa cũng khiến những khóm tre xanh mất dần. Như bà Chung còn giữ được vài khóm tre già để mỗi lần có đơn đặt hàng, ông Sáu lại lụi cụi ra góc vườn đốn hạ vài cây. Còn như bà Hiên và vài người khác thì phải đi mua tre. Mỗi cây có giá từ 15 đến 20 ngàn đồng, chừng ấy cũng đã làm đồng tiền thu được từ nghề đan của họ ít đi một chút.
Nhìn những bóng dáng cặm cụi đan lát dưới mái hiên quê, tự dưng tôi có chung niềm đồng cảm với người làm nghề. Biết rằng cuộc sống hiện đại, nhiều người hướng đến sản phẩm tiện ích cũng là điều đương nhiên. Nhưng vẫn hy vọng, trong khi các miền quê đang nỗ lực duy trì, phát triển một sản phẩm đặc trung truyền thống, và đâu đó vấn nạn rác thải nhựa đang cảnh báo về nạn ô nhiễm môi trường, nghề đan mây tre của bà con Yến Nê thêm một lần có cơ hội hồi sinh!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)