Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng để thông báo chỉ là… thông báo

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải ngẫu nhiên mà học sinh, nhất là những em có một chút tính cách ham chơi nghịch ngợm, thường sợ giáo viên chủ nhiệm gửi sổ liên lạc về nhà. Cũng không hiếm trường hợp, một giáo viên chủ nhiệm nào đó, vào giờ sinh hoạt lớp, thường cố ý hù dọa một học sinh chưa ngoan với câu nói quen thuộc “coi chừng cô/thầy mách ba mẹ của em đấy” hoặc “tôi sẽ mời phụ huynh của em để em biết sợ”. Điều đó dường như trở thành một nhận thức sai lầm của tất cả những người có liên quan, được truyền từ năm học này qua năm học khác.

Kỳ thực, việc thông báo tình hình học tập (cũng như các vấn đề khác như chấp hành kỷ cương nội quy nhà trường, thái độ sinh hoạt học tập, quan hệ bạn bè ở học đường…) của học sinh cho phụ huynh phải là cơ hội, là dịp để giáo viên và gia đình nghiên cứu lại thực trạng hiện tại của các em, và sẽ cùng nhau thảo luận biện pháp giáo dục. Một khi có được sự phối hợp kịp thời, nhịp nhàng giữa nhà trường và gia đình (mà ở đây giáo viên là cầu nối vô cùng quan trọng) thì sẽ tránh được tình huống “kẻ đánh xuôi, người thổi ngược” không mang lại hiệu quả giáo dục như mong muốn của người lớn. Đồng thời, cũng tránh được tình huống học sinh có suy nghĩ cảm thấy… ghét giáo viên vì cho rằng tại thầy cô mà các em bị phụ huynh la rầy, trách phạt; từ đó không những không ý thức được những sai lầm đã mắc phải của bản thân mà còn có thái độ xa cách với thầy cô. Vì vậy, việc thông báo ở đây phải được (trước hết là thầy cô) hiểu rộng hơn ý nghĩa thông thường của từ này; sau phần thông báo, sẽ là phần đôi bên chia sẻ những tiếng nói từ góc nhìn của phía mình, để cùng thống nhất trong suy nghĩ và trong biện pháp giáo dục học sinh.

Thế nhưng, không biết từ lúc nào, việc giáo viên liên hệ thông báo với phụ huynh đã trở thành nỗi ám ảnh của các thế hệ học sinh. Sau khi thông báo kết quả chưa tốt (về cả mặt học tập lẫn đạo đức) của học sinh cho phụ huynh, giáo viên sẽ… bỏ mặc diễn biến tiếp theo vì cho rằng đó là câu chuyện riêng tư của gia đình, là cách dạy con của riêng phụ huynh. Nếu là như vậy, ở một góc độ nhất định, sẽ chưa trọn vẹn công việc và tình cảm của giáo viên. Đặc biệt, đối với những phụ huynh có phần nóng tính, thậm chí có thói quen giáo dục bạo lực với con, thì việc giáo viên chỉ dừng lại ở mức độ thông báo sẽ là một việc làm đáng tiếc, gây tâm lý không tốt cho học sinh. Vậy nên, xin đừng để thông báo chỉ là… thông báo, mà hơn hết phải là sự chia sẻ, tâm tình.

Đơn Thun

 

Bình luận (0)